Lúng túng công nhận bằng đào tạo từ xa: Quản lý chưa bắt kịp xu thế

04/10/2017 09:52 GMT+7

Đào tạo trực tuyến là xu hướng tương lai, mang lại nhiều lợi ích song các chuyên gia cũng thừa nhận việc phát triển hình thức đào tạo này còn gặp nhiều khó khăn tại VN do thiếu quy định pháp lý mang tính hướng dẫn. Nếu còn chần chừ, VN sẽ chậm nhịp so với thế giới.

Thế giới phát triển mạnh, VN chỉ mới manh nha
Xu hướng đào tạo trực tuyến trên thế giới đang phát triển rất mạnh. Chẳng hạn ở Hàn Quốc có tới hơn 20 trường ĐH hoàn toàn trực tuyến và các trường này đều đang phát triển rất tốt với hàng chục ngàn người theo học. Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã triển khai các trường ĐH tương tự.
Tại VN, đào tạo trực tuyến là thị trường rất lớn song hiện nay vẫn mới chỉ phát triển dưới dạng manh nha. Quan trọng nhất là quản lý của chúng ta chưa bắt kịp với xu thế phát triển. Việc thiếu các quy định pháp lý, thiếu các tiêu chuẩn kiểm định khiến các chương trình đào tạo theo hình thức này chưa có nhiều điều kiện phát triển tại VN. Ngay cả những người có nhu cầu học cũng không biết bằng cấp của mình sẽ được công nhận như thế nào. Bộ GD-ĐT nên có những quy định cụ thể trong vấn đề này.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc(nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT)
Chưa có khung pháp lý là hơi trễ
Đào tạo trực tuyến giờ đây không còn là cá biệt nữa. Hầu hết các trường ĐH lớn của Mỹ đều có chương trình trực tuyến. Việc đảm bảo chất lượng và công nhận văn bằng của hình thức đào tạo này cũng không phải là vấn đề mới nữa. Hiện nay chúng ta vẫn đang phân biệt giữa học trực tuyến và học không trực tuyến trong khi thế giới đã nhìn nhận hình thức nào cũng như nhau. Vì vậy, đến giờ mà chúng ta chưa có khung pháp lý để hướng dẫn vấn đề này thì hơi trễ.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây)

tin liên quan

Rườm rà việc công nhận văn bằng
Các quy định, thủ tục về công nhận văn bằng tương đương đang gây ra nhiều phiền toái cho những người có nhu cầu công nhận văn bằng.  
Nên sớm có quy định
Công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh, cho phép tất cả các quy trình đào tạo ĐH đều có thể được thực hiện trực tuyến. Bên cạnh đó, nhu cầu học trực tuyến hiện nay cao vì mang tính chất quốc tế hóa, thỏa mãn nhu cầu người học, có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Trong tương lai, đào tạo trực tuyến sẽ lấn sâu vào các giảng đường của VN. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD-ĐT cũng chưa thừa nhận văn bằng của hình thức đào tạo trực tuyến. Điều này khiến người học còn e dè. Vì thế, Bộ nên sớm có quy định hướng dẫn cụ thể để cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo theo hình thức này cũng như công nhận văn bằng.
Vũ Tuấn Lâm (Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông)
Hữu ích để lấy chứng chỉ bổ sung kiến thức
Các khóa học trực tuyến khá hữu ích cho ai muốn học bổ sung kiến thức. Thường họ dạy ở mức cơ bản và chất lượng tốt, vì đều là các giáo sư giỏi hàng đầu tham gia giảng dạy. Tất nhiên các khóa học kiểu này sẽ bị hạn chế về sự tương tác trực tiếp thầy trò, cũng như vài hoạt động học tập khác ở các lớp học truyền thống nhưng nếu người học không có điều kiện học tập trung trên lớp thì đây cũng là một lựa chọn hữu ích.
Coursera có những khóa học tính phí và người học sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Bây giờ họ mở rộng mô hình cấp bằng online. Để được nhận bằng thì người học phải vượt qua quá trình tuyển chọn đầu vào (tương tự như các khóa học truyền thống), phải trả tiền để học và bằng cấp được kiểm định tử tế. Việc kiểm soát chất lượng các chương trình trực tuyến ở Mỹ cũng khá chặt chẽ.
Tiến sĩ Võ Sỹ Nam (Trung tâm ung thư MD Anderson, ĐH Texas, Mỹ)
Quan trọng ở năng lực đầu ra
Khi người học học để lấy kiến thức thì đào tạo trực tuyến là câu chuyện sống còn, thế giới sẽ đi theo hướng ấy. Ở một nước như nước Mỹ vốn rất nghiêm túc về đào tạo thì cũng có những trường tốt và trường dỏm. Vì thế, để đánh giá chất lượng của các chương trình liên kết trực tuyến thì phải xem các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín có thừa nhận chương trình đó không. Hiện nay dù đào tạo theo hình thức gì cũng phải chứng minh người học sau khi học xong đảm bảo các chuẩn năng lực đầu ra chứ không nên dựa vào hình thức đào tạo. Vấn đề ở đây là cấp bằng phải có quy trình đánh giá để người học trực tiếp và online phải đảm bảo có năng lực đầu ra giống nhau. Nói cách khác, chỉ nên có một thước đo, còn hình thức không quan trọng.
Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)

tin liên quan

Lúng túng công nhận bằng đào tạo từ xa
Trong khi phải mất một thời gian khá dài các cơ quan quản lý mới đưa ra được các quy định để đưa hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đi vào quy củ, thì thực tiễn của hình thức liên kết đào tạo lại đang khiến các nhà chức trách lúng túng.
Nhiều lợi ích
Từ 20 năm nay, ai cũng nghĩ đào tạo trực tuyến là xu thế tương lai và mang lại nhiều lợi ích theo cách tối ưu hóa nguồn lực. Chẳng hạn nguồn lực đó nếu giới hạn trong một nhóm nhỏ thì lãng phí nhưng nếu dựa trên công nghệ để nhiều người có thể cùng tham gia thì chi phí sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, ở một số nơi như vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận học liệu chất lượng tốt, giảng viên tốt thì hình thức đào tạo trực tuyến sẽ rất có lợi. Tuy nhiên, hình thức này thường phù hợp trong việc học để lấy các chứng chỉ, khi người học đã có sẵn nền tảng, chỉ bổ sung các kiến thức cần thiết.
Một cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
VN quá quan tâm đến bằng cấp
Nhiều trường ĐH danh tiếng đã triển khai, kể cả để cấp văn bằng chính thức hay chỉ cấp một chứng chỉ nào đó. Ngay những trường thuộc loại tốp của Canada như McGill cũng có chương trình đào tạo trực tuyến. Đối với hình thức đào tạo này có 2 vấn đề: Một là bằng cấp và hai là khả năng làm việc. Ở nước ngoài, người học chỉ quan tâm tới yếu tố thứ 2 còn ở VN lại đang quá quan tâm tới bằng cấp nên mới sinh ra nhiều chuyện. Người học phải biết mình học làm gì để chọn lựa: Học để có thêm kiến thức hay học để có văn bằng, xin chứng chỉ hành nghề. An toàn nhất là nên học các chương trình đã kiểm định. Với trong nước, Bộ GD-ĐT chỉ cần kiểm định và công bố danh sách chương trình online đã kiểm định chất lượng là xong.
Một giáo sư VN ở ĐH Québec (Canada)
Cần cơ chế giám sát để chặn tiêu cực
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Việt Pháp, dù đang phát triển rất nhanh nhưng một số ngành không thể đào tạo trực tuyến được, ngay cả ở các quốc gia phát triển. Chẳng hạn với đào tạo kỹ sư hay những ngành đòi hỏi phải gắn liền với cơ sở thực hành, cơ sở vật chất, thiết bị. Trong khi đó, Giáo sư Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng muốn được xã hội quan tâm và chấp nhận thì cần phải có những quy định pháp lý cụ thể để tạo điều kiện cho hình thức đào tạo này phát triển. Dù vậy, nhà nước cũng cần có cơ chế để giám sát chặt chẽ vấn đề chất lượng, ngăn chặn những tiêu cực của hình thức này. Bởi nếu không cẩn thận, việc cấp bằng sẽ tràn lan dẫn đến nguy cơ lạm dụng, làm cho thật giả lẫn lộn.
Sẽ có thông tư về kiểm định đào tạo từ xa
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết hiện Bộ đang xây dựng kế hoạch ban hành thông tư về kiểm định chương trình đào tạo trực tuyến từ xa. Theo dự kiến, thông tư này sẽ được đăng ký xây dựng và ban hành trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trong năm 2018. Trước mắt, trong thời gian tới, Bộ sẽ cho phép một số trường thử nghiệm đào tạo theo hình thức blended (hỗn hợp), nghĩa là sẽ có một vài học phần trong chương trình là trực tuyến. Tiếp sau đó sẽ cho thử nghiệm một số chương trình ở ĐH.
Đối với hình thức đào tạo trực tuyến, Bộ nhìn nhận đây là bước đi phải tiếp cận chứ không thể trốn tránh, tuy nhiên, phải có công cụ để kiểm soát hữu hiệu về chất lượng. Trong lộ trình sắp tới, việc triển khai sẽ được kiểm soát chặt từ việc ngành đào tạo tới việc kiểm tra đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.