Đó là cái khó của nhiều địa phương được nêu ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục VN, do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 20.12.
Làng đá, di tích bớt linh vật lạ
Cách đây 3 năm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân ở Ninh Bình tràn ngập sư tử theo kiểu nước ngoài. Nhưng giờ đây, theo Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Tấn, làng nghề đã rất khác. “Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, dễ thấy hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, và lượng khách hàng đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất hiếm hoi. Thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ”, ông Tấn cho biết.
tin liên quan
Khám phá linh vật Việt trong văn hóa truyền thốngTọa đàm khoa học Linh vật VN trong văn hóa truyền thống sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) vào ngày 22.12.
Thay đổi đó, theo ông Tấn là do những đợt di dời linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích ở Ninh Bình. Trong 3 năm, Ninh Bình đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ (H.Hoa Lư) và đền Đức thánh Nguyễn (H.Gia Viễn). Đây đều là các di tích thu hút rất đông khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, chiêm bái và thực hiện các nghi lễ tâm linh. Di tích được giữ nguyên trạng, và nhận thức người dân về việc bảo vệ văn hóa cũng tăng lên.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Hà Nội, cho biết: “Những năm trước, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, đã có một phong trào cung tiến ồ ạt các hiện vật lạ vào các chùa chiền, đền miếu... ở nước ta. Tuy vậy, những người quản lý ở các đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt. Nó làm dấy lên quan ngại về xâm lăng văn hóa”, ông Tiến nói. Ở Hà Nội, cách đây 3 năm có tới 27/30 quận, huyện có hiện vật lạ. Hiện tại, đã có 24 quận, huyện tổ chức di dời hiện vật lạ trong di tích. Cũng trong 3 năm, không phát sinh thêm trường hợp di tích đưa linh vật, cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích.
|
Trên quy mô toàn quốc, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) đánh giá: “Hiện tượng cung tiến các hiện vật không phù hợp vào di tích và hiện tượng sử dụng các linh vật lạ là tượng sư tử đá ngoại lai đã không còn xảy ra trên phạm vi toàn quốc như trước đây”.
Nỗ lực tìm lại vốn cổ
“Báo cáo tổng kết cho thấy khó khăn chung nhất là việc khó nhận dạng linh vật ngoại lai. Các địa phương đều đề nghị tăng cường triển lãm, hoặc sách để giúp người dân nhận dạng linh vật Việt, linh vật ngoại lai. Như thế, việc cung tiến cũng được thực hiện suôn sẻ hơn, tránh cho cả người cung tiến lẫn di tích vào thế khó khi phải di dời linh vật ngoại lai”, ông Nguyễn Đức Bình, Cục Mỹ thuật (Bộ VH-TT-DL), nói. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho rằng cần có sự hướng dẫn chi tiết hơn nữa để tránh tình trạng một số tổ chức, cá nhân vẫn nhầm lẫn giữa sư tử Trung Quốc và nghê của VN.
Ông Tiến cho biết thêm, trong ngày Di sản năm 2016, Hà Nội đã phối hợp nhóm Đình làng Việt tổ chức triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt” tại Bảo tàng Hà Nội. Ở đó hơn 200 hình ảnh linh vật gồm: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc, chó, rùa, cá... được nghiên cứu, sưu tầm tại các di tích. Cũng có cả các linh vật mới do nghệ nhân, nhà điêu khắc thực hiện.
Nhóm nghiên cứu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế lại lặng lẽ cho ra đời cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên lề (Nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê). Công trình 332 trang này có hình ảnh tư liệu, bản vẽ kèm chú giải để có thể phân biệt và phục dựng nghê của nhiều thời đại, vùng miền. “Chúng tôi cố gắng có những bản vẽ chính xác nhất để người thợ có thể làm lại được mẫu nghê của các cụ để lại”, ông Thế nói.
Quảng Ninh lại tuyên truyền về linh vật không phù hợp tại di tích trên các phương tiện truyền thông. Tỉnh này cũng in 500 ấn phẩm về hình ảnh các linh vật Việt để các địa phương, ban quản lý nghiên cứu thực hiện.
tin liên quan
Tự di dời biểu tượng linh vật ngoại lai khỏi di tíchNhiều sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã được người cung tiến tự di dời, gỡ bỏ.
Bình luận (0)