|
Chỉ gần 1km được dây 220kV đoạn đi qua địa bàn thôn Cẩm Trà, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên luôn có vài con diều bị mắc trên đường dây và đã từng gây ra sự cố phải khắc phục, sửa chữa. Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Truyền tải điện Thái Nguyên cho biết, chỉ tính trong tháng 12.2012 đã xảy ra 2 sự cố lớn do diều mắc vào chuỗi néo dây dẫn (pha C) và mắc lên dây chống sét xuống dây dẫn (pha A), dẫn đến sứ chống sét bị phóng điện buộc phải cắt điện/ngừng cung cấp điện để sửa chữa.
Có những con diều được người dân đầu tư đáng giá cả con bò, dài gần chục mét, với giá cũng gần chục triệu đồng. Khi vướng vào xảy ra sự cố đường dây cao áp (cấp điện áp 220kV từ trạm 500kV Hiệp Hòa đi Thái Nguyên) gây thiệt hại nhẹ cũng mất hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần sửa chữa. Thế nhưng khi được hỏi, người dân quanh đây đều từ chối là chủ nhân của những con diều nói trên. Ông N.V.Liễu, 47 tuổi, một người dân sống gần đây cho biết, những con diều này là ở thôn trên, xã bạn thả bay xuống đây vướng vào chứ không phải của người dân địa phương. Không chỉ ở Phổ Yên, Thái Nguyên, một số vụ thả diều gây sự cố đường dây cao áp cũng xảy ra ở Hải Phòng trong năm qua.
Nhiều sự cố hy hữu cũng xảy ra gây tổn thất rất lớn cho lưới điện. Như sự cố đường dây 220kV Vĩnh Yên – Sóc Sơn (tháng 9.2012) do Truyền tải điện Hà Nội quản lý bị sự cố do xe đơn vị thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi dưới đường dây vi phạm khoảng cách an toàn. Ông Trần Minh Tuấn, phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết, có những sự cố lớn rất nguy hiểm, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng vẫn chưa thể khắc phục.
Theo ông Vũ Ngọc Minh, phó Tổng giám đốc TCT truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), cả nước có khoảng 5.000 km đường dây 500kV và hơn 11.313 km đường dây 220kV lưới điện truyền tải cao áp. Thống kê của EVN NPT cho hay, trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ tính riêng các vụ vi phạm lưới truyền tải điện cao áp, đã có gần 100 vụ vi phạm an toàn. Năm 2012 đã có 21 vụ và 6 tháng đầu năm 2013 đã có 13 vụ vi pham hành lang tuyến đường dây. Ngoài việc chưa bảo đảm được yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn dự phòng, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp ngày càng gia tăng. Điển hình là vụ cần cẩu cây chạm vào đường dây 500kV Di Linh - Tân Định gây mất điện khu vực miền Nam ngày 22.5.2013.
Dù đã có các quy định của Nhà nước, Luật điện lực, Nghị định 106 quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, các tổ chức có trách nhiệm trong công tác bảo vệ các công trình lưới điện, thậm chí còn nghiêm cấm các hành vi như thả diều, thả vật bay trong phạm vi lưới điện. Nhưng trước những sự cố xảy ra thời gian qua chưa có biện pháp xử lý triệt để, gây thiệt hại không chỉ bằng tiền với giá trị mỗi vụ việc có khi lên đến hàng tỷ đồng, ông Vũ Ngọc Minh khuyến nghị, bên cạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ lưới điện cao áp, cũng cần có những biện pháp mạnh, đưa các quy định nêu trên vào thực tế nhằm đảm bảo an toàn lưới điện cao áp nói riêng, an toàn lưới điện nói chung.
Nguyên Long
>> JPMorgan có thể mất 400 triệu USD vì thao túng ngành điện
>> Đóng góp lớn của ngành điện miền Nam
>> Định hướng nghề nghiệp ngành điện hạt nhân
>> Ngành điện khổ vì dân chơi… diều
>> Lợi nhuận đáng kinh ngạc của ngành điện
Bình luận (0)