Lưới ơi, lưới!

10/12/2011 09:58 GMT+7

(TNTS) Trong những ngày cuối tháng 11.2011, báo chí và các cơ quan truyền thông đồng loạt đưa thông tin các anh cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa dùng lưới cá chặn bắt người đua xe, đánh võng, lạng lách. Chuyện dùng lưới trong thi hành công vụ giữ gìn trật tự giao thông là chuyện mới. Bạn đọc Thanh Niên tuần san hỏi bần đạo: Tiểu thuyết võ hiệp có nói chuyện dùng lưới cá bắt người không? Bần đạo xin trả lời: Có.

(TNTS) Trong những ngày cuối tháng 11.2011, báo chí và các cơ quan truyền thông đồng loạt đưa thông tin các anh cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa dùng lưới cá chặn bắt người đua xe, đánh võng, lạng lách. Chuyện dùng lưới trong thi hành công vụ giữ gìn trật tự giao thông là chuyện mới. Bạn đọc Thanh Niên tuần san hỏi bần đạo: Tiểu thuyết võ hiệp có nói chuyện dùng lưới cá bắt người không? Bần đạo xin trả lời: Có.

Tiếu ngạo giang hồ kể chuyện Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn dù đã luyện thành Tịch tà kiếm phổ nhưng vẫn thua đường Độc Cô cửu kiếm của đệ tử cũ là Lệnh Hồ Xung. Họ Nhạc bèn dùng lưới tàm ti (tơ tằm) chụp từ trên không xuống như ta vãi chài. Hắn bắt được Lệnh Hồ Xung. Thế nhưng, tiểu ni cô Nghi Lâm đã cứu được Lệnh Hồ đại ca của mình.

Thiên Long bát bộ kể chuyện cô A Tử dùng tấm lưới cá bắt được Chử Vạn Lý - một trong bốn bộ thuộc bảo vệ cha cô là Đoàn Chính Thuần. Lưới cá này của phái Tinh Tú có đặc điểm là càng vùng vẫy thì nó càng thít chặt. Thương con người ngay thẳng phải chịu nhục bởi một cô gái điêu toa, Kiều Phong đã cởi lưới thả họ Chử ra. Chử Vạn Lý biết mình không thể nào chống lại được quyền lực của con gái vương gia. Ông ta đã tìm cái chết để tự rửa nhục.

 
Minh họa: DAD

Thần điêu hiệp lữ kể chuyện Công Tôn Chỉ dùng lưới cá bắt Dương Quá. Nào ngờ khi vây bắt, bọn thuộc hạ của lão còn bắt luôn cả Tiểu Long Nữ - người yêu của Dương Quá. Cả hai đều lấy làm hạnh phúc vì được Công Tôn Chỉ túm chung trong một lưới! Cho nên thay vì lo buồn, họ lại càng cảm thấy hạnh phúc vì được nằm chung lưới với nhau.

Đại để, chuyện dùng lưới bắt người đã được nói đến trong tiểu thuyết võ hiệp, dù không phổ biến đại trà. Ngày đó, bọn giang hồ hào sĩ không coi nó như một thứ võ công mà coi nó như một phương tiện bắt giữ kẻ địch. Dù sao, dùng lưới cũng nhân đạo hơn dùng gươm đao.

Anh em cảnh sát giao thông ngày nay được dùng những phương tiện gọi là công cụ hỗ trợ. Hỗ trợ có nghĩa là giúp thêm để làm công việc cho tốt. Đại để trong khi thi hành công vụ, họ được trang bị thêm roi điện, dùi cui, đèn pin. Thế nhưng, những tay đua xe và những người không tuân thủ quy định giao thông ở thành phố Thanh Hóa dường như thấy mấy món ăn chơi này… hổng xi-nhê chút nào. Cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa bèn chơi kiểu… tiểu thuyết võ hiệp, dùng lưới cá giăng bắt những tay quậy bạo này.

Trước nay, chưa ai gọi lưới cá là công cụ hỗ trợ. Nay với việc làm mới mẻ ở thành phố Thanh Hóa, lưới đánh cá trở thành công cụ hỗ trợ của cảnh sát giao thông. Đó là loại lưới bén, đan bằng cước nhuyễn. Bần đạo từng đánh cá mười năm, rút ra kinh nghiệm rằng lưới bén càng nhuyễn thì càng trị được cá to. Các anh cảnh sát giao thông dùng lưới ném vào dưới xe cho lưới theo gia tốc của vòng bánh xe (thường là bánh sau) quấn vào thành một nùi. Kẻ đua xe hay lạng lách bị “cái thắng” đàn hồi này kéo nhùng nhằng nhủng nhẳng, rốt cuộc phải dừng lại.

Trên thực tế, con người không phải là con cá. Cho nên việc cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa trị con người bất tuân quy định giao thông bằng lưới cá tạo nên hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Có ý kiến cho rằng con người có nhân phẩm còn con cá không có… ngư phẩm. Nếu dùng lưới cá trị người thì e rằng xúc phạm nhân phẩm con người quá chăng? Có ý kiến còn cho rằng biện pháp này nghiệp dư quá. Nghiệp dư có nghĩa là không chuyên nghiệp, là dùng thủ công thay vì dùng biện pháp tiên tiến. Theo họ, nên sắm một dàn camera cho xịn, chụp ảnh quay phim mấy trự đua xe và biển số xe. Cứ vậy mà dò tìm kẻ đua và chiếc xe vi phạm, tịch thu xe, lôi kẻ lái xe ra tòa buộc y cúi đầu nhận tội.

Có ý kiến đồng tình với các anh cảnh sát giao thông Thanh Hóa. Họ cho rằng dùng lưới như vậy nhân đạo và an toàn hơn cảnh sát giao thông nước ngoài dùng bàn chông (đinh) để phập mấy trự đua xe. Họ khen cách dùng lưới tuy có vẻ thủ công nhưng hữu hiệu trong việc chống đua xe. Các thành phố trên cả nước từng đau đầu với chuyện đua xe nên bất kỳ hình thái nào chống đua xe đều được hoan hô, kể cả hình thái dùng lưới cá mới mẻ này.

Một giới chức có thẩm quyền ở thành phố Thanh Hóa cho biết từ khi dùng lưới, các anh cảnh sát giao thông đã túm được 21 trường hợp đua xe, lạng lách, đánh võng. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả và hay nhất là nó không gây ra tai nạn cho người chạy xe. Bởi lưới cá có tính đàn hồi cao, khi bị quấn vào bánh và vè xe, tạo thành một “cái thắng” dịu dàng không gây sốc…

Vâng, cái gì mới thì cũng có thể gây ra hai dư luận khen chê trái chiều. Chúng ta hãy chờ nghe ý kiến của cấp trên có coi lưới cá là công cụ hỗ trợ hay không. Và nếu nó là công cụ hỗ trợ thì tất yếu phải có sự phê duyệt kinh phí để mua sắm cho các địa phương. Nên nhớ rằng lưới này rất dễ hư. Nếu mỗi tấm lưới chỉ trị được một xe thì e rằng không đủ lưới để trị mấy chục chiếc xe khi họ đua xe thành bầy đàn. Cũng cần lưu ý rằng khi tấm lưới túm được một chiếc xe thì tấm lưới ấy sẽ rách teng beng, nghĩa là nhan sắc nó sẽ tả tơi như đời cô Lựu. Cá vướng vào mà còn rách thì đừng nói chi đến những chiếc xe phân khối lớn chạy với tốc độ cao. Như vậy có nghĩa là phải mua lưới mới. E rằng kinh phí quá cao!

Đại phàm làm cái gì cũng phải tập huấn. Quăng lưới để chống đua xe là một kỹ năng nên cũng phải tập huấn để có kỹ năng ấy. Vậy  nếu xem lưới là công cụ hỗ trợ chống đua xe thì có nghĩa là có thể phát triển nó sâu rộng trên cả nước. Mà muốn phát triển thì phải mở nhiều khóa tập huấn kỹ năng này.

Một bạn đồng nghiệp của bần đạo đã viết một ý tưởng khá tức cười trên một tờ báo. Rằng có tay nọ là một đinh tặc chính cống, chuyên rải đinh để “triệt” xe gắn máy. Nay, anh ta muốn hoàn lương, mong được trở lại quê nhà sống ngay ngắn và đóng góp một chút công sức cho sự nghiệp chống bọn đua xe, lạng lách. Tưởng anh ta muốn làm nghề dệt lưới, nào ngờ anh ta nói chuyện trớt huớt: “Em là em kịch liệt chống chuyện đua xe nguy hiểm này nên em sẽ về đó rải đinh. Cả rải đinh lẫn tung lưới thì bọn đua xe có chạy đằng trời cho thoát”.

Chuyện tuy nói giỡn mà ý nghĩa thì rất thật. Bởi xem ra hình thái rải đinh cũng là một cách… chống đua xe và lạng lách, đánh võng. Mà nếu cứ lý luận có thể dùng bất cứ hình thái nào để triệt hạ nạn đua xe thì không chừng phải chọn cách rải đinh. Bởi cách này vừa gọn nhẹ, ít tốn tiền hơn dùng lưới mà lại khỏi tập tành. Đến lúc đó, bảo đảm chẳng có ai dám gọi đinh là công cụ hỗ trợ. Bởi dùng một từ sai ngữ nghĩa như vậy thì vô hình trung, ta đã có vẻ biểu dương việc rải đinh. Và ta trở thành đồng bọn với đinh tặc!

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.