“Lưới thần” của Bộ An ninh nội địa Mỹ

01/12/2006 21:08 GMT+7

Bộ An ninh nội địa Mỹ đã bí mật triển khai một hệ thống kiểm soát thông tin hành khách hết sức tinh vi. Bất kỳ người nào đến Mỹ đều bị lấy thông tin cá nhân và thông tin đó có thể được lưu trữ tới 40 năm.

Bất kể bạn là ai, khi đi qua các cửa kiểm soát an ninh để nhập cảnh một cách hợp pháp vào Mỹ (hoặc rời khỏi nước này), nhà chức trách sẽ lấy thông tin cá nhân của bạn. Sau đó, dựa trên thông tin có được, Bộ An ninh nội địa sẽ đánh giá nguy cơ mà bạn có thể gây ra đối với nước Mỹ, bao gồm cả nguy cơ khủng bố và phạm tội. Hệ thống kiểm tra tự động này được viết tắt là ATS, cho phép nhà chức trách lấy được nhiều thông tin, chẳng hạn như một hành khách đến từ đâu và trả tiền vé bằng hình thức nào; các thông tin về quá trình lái xe; sở thích ăn uống...

Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, mỗi năm có khoảng 87 triệu người đi theo đường hàng không và 309 người đi bằng đường thủy hoặc bộ để vào nước này. Nhà chức trách Mỹ thường lấy danh sách những hành khách sắp sửa đến hoặc rời khỏi nước này. Sau đó, thông tin hành khách sẽ được đưa vào hệ thống ATS để phân tích, đối chiếu và có thể được lưu ở đó 40 năm. Hành khách không được phép xem những thông tin này và không có quyền trực tiếp thay đổi sự đánh giá của ATS. Hệ thống kiểm soát này đã tồn tại từ 5 năm nay nhưng mới chỉ được nhà chức trách tiết lộ trong tháng qua. Theo bộ này, nếu không có ATS thì khả năng nhận biết tội phạm và những nguy cơ an ninh khác đối với đất nước "có thể suy giảm nghiêm trọng".

Sau sự kiện 11.9, việc nhà chức trách Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát an ninh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống ATS, vốn trước đây chỉ dùng để kiểm tra hàng hóa, để lấy thông tin hành khách và sau đó "phân loại nguy cơ" đối với họ có vẻ là một biện pháp không ổn. Giới bảo vệ quyền tự do cá nhân và giới làm luật ngay lập tức bày tỏ thái độ lo ngại sau khi sự tồn tại của ATS được tiết lộ. Với hệ thống này, một doanh nhân tới Mỹ để bàn chuyện làm ăn hợp pháp đôi khi có thể bị xếp vào loại "có thể gây nguy hiểm". Một khách du lịch bình thường nếu bị ATS đánh giá nhầm có thể mất việc, mất quyền tới Mỹ trong tương lai hoặc luôn "gặp rắc rối" tại các trạm kiểm soát an ninh. Bởi là một hệ thống tự động nên nếu ATS "lỡ nghi ngờ" ai thì người đó phải chịu. Điều đáng nói là những thông tin mà Bộ An ninh nội địa Mỹ lưu giữ có thể được chia sẻ với chính quyền các tiểu bang và chính phủ các nước. Trong một vài trường hợp, thông tin có thể được chia sẻ với tòa án, quốc hội hoặc thậm chí cả các nhà thầu tư nhân. Sự chia sẻ rộng rãi này làm tăng nguy cơ thông tin của một cá nhân bị rò rỉ ra bên ngoài.

Cách đây 2 năm, một kế hoạch kiểm tra an ninh đối với hành khách nội địa từng gây ra tranh cãi kịch liệt tại Hạ viện. Giới làm luật thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này. Chỉ đến khi hệ thống kiểm soát thu được kết quả chính xác và đảm bảo được tiêu chuẩn bảo mật trong 10 cuộc thử nghiệm thì kế hoạch mới được thông qua. Giờ đây, sau khi tiết lộ về sự tồn tại của hệ thống kiểm soát mới, Bộ An ninh nội địa Mỹ biện hộ rằng họ có một bản hướng dẫn thực thi rất chi tiết nhằm loại trừ mọi nguy cơ về xâm phạm quyền cá nhân. Tuy nhiên, bản hướng dẫn đó có nội dung thế nào thì bộ này không tiết lộ vì lý do an ninh. (CNN, AP, New York Times)

C.M.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.