Lương 200 triệu đồng/tháng chắc chắn có ‘uẩn khúc’

28/08/2013 18:00 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 28.8, lãnh đạo Vụ lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết vụ này đã cử người vào TP.HCM kiểm tra lại toàn bộ việc chi lương ở các doanh nghiệp công ích (năm 2012 và cả các năm trước đó). Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã lên tiếng về vụ việc.

>> Lãnh đạo nhận lương ‘khủng’ lên tiếng: Lương cao mới đúng với công sức anh em bỏ ra
>> Vụ công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường: Người lao động bị đối xử bất bình đẳng
>> Hàng loạt công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường
>> Lương giám đốc doanh nghiệp công ích cao gấp... 41 lần lao động mùa vụ
>> Cơ sở nào để chi mức lương cho giám đốc 2,6 tỉ đồng/năm ?

Kiểm tra lại toàn bộ việc chi trả lương của các doanh nghiệp công ích


Ông Hoàng Minh Hào

Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 28.8, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương cho biết, Bộ vừa nhận được báo cáo của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM gửi về việc lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) công ích nhận lương “khủng”. Lãnh đạo Bộ đã cử một Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương vào kiểm tra toàn bộ việc chi trả lương của các DN công ích, không chỉ trong năm 2012 và còn những năm trước đó.

* Dư luận vô cùng bức xúc trước mức lương 200 triệu đồng/tháng của lãnh đạo các DN công ích tại TP.HCM. Theo ông, mức lương lãnh đạo DN lao động công ích lấy từ nguồn nào?

- Ông Hoàng Minh Hào: Quỹ lương chi cho lãnh đạo các DN công ích có thể lấy từ 3 nguồn: từ những khoản thu phí tính của các hộ gia đình; từ nguồn dịch vụ và lấy từ tiền lương của người lao động (NLĐ). Việc lấy từ nguồn thu nào, hiện nay chưa xác định được, nhưng nếu lấy từ nguồn thu thứ 3 thì luật nghiêm cấm.

* Nhiều người thắc mắc, DN công ích có được quyền tự quyết chi mức lương “khủng” hay không?

- DN công ích là DN Nhà nước cổ phần, Nhà nước vẫn chi phối. Theo đúng luật, những người do Nhà nước cử làm đại diện anh phải định hướng quản lý lao động tiền lương và các vấn đề khác theo chính sách của Nhà nước do chủ sở hữu chỉ đạo. Đại diện nhà nước góp vốn lớn nhất phải thực hiện chỉ đạo, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Hiện nay, Nhà nước chỉ khống chế lương DN có 100% vốn nhà nước. Đối với DN cổ phần, hoạt động theo luật DN, không bị khống chế. Tuy nhiên, DN vẫn phải chịu chi phối của Nhà nước thông qua “bàn tay vô hình”. Đó chính là người được cử làm đại diện của mình tại DN đó. Thông qua đấy để chỉ đạo DN quản lý, chi tiêu hợp lý, chứ không phải giao quyền cho anh, anh muốn làm gì thì làm.

* Vậy theo ông mức lương hợp lý của lãnh đạo DN là bao nhiêu?

- Tất cả các nguồn đều tính vào doanh thu của DN và đều gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đối với NLĐ tính theo đơn giá tiền lương, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Còn của viên chức đi theo năng suất, lợi nhuận. Nếu năng suất lên, lợi nhuận lên thì lương lên. Hai quỹ lương này khác nhau. Anh không thể lấy quỹ lương của NLĐ anh chi cho lương của viên chức quản lý.

Thông thường, lương của viên chức quản lý bị khống chế. Ví dụ: Hệ số lương của Tổng giám đốc là 8.0, nếu tính đúng, mức lương tối thiểu là 840.000 đồng x 4. Mỗi tháng Tổng giám đốc nhận được khoảng 20 triệu là cùng. Giả sử, có thể vận dụng trả lương tối thiểu cho lãnh đạo lên 6 triệu (trường hợp này chắc là khó - PV), nhân lên nhiều lắm cũng chỉ 50 triệu. Mức 200 triệu là quá lớn. Theo Nghị định 51 vừa được Chính phủ ban hành hồi tháng 5 quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với lãnh đạo DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, mức cao nhất của công ty mẹ của tập đoàn kinh tế là 36 triệu. Nếu năng suất, chất lượng hiệu quả và quản lý điều hành tốt thì được thêm 1,5 lần. Nghĩa là lương “kịch trần” Nhà nước cho phép cũng chỉ cao nhất 54 triệu. Lương vọt lên 200 triệu chắc là có uẩn khúc ở đây. Sau khi kiểm tra, chắc chắn việc này sẽ rõ.

* Với mức lương bất hợp lý, gấp 41 lần mức lương lao động làm thời vụ đã chi trả, liệu có được thu hồi?

- Mức lương như vậy là quá cao so với mức lương bình thường. Theo phản ánh, lương chi cho NLĐ 4-5 triệu/tháng, còn lãnh đạo 200 triệu đồng, chắc chắn là có sự bất hợp lý. Để biết được, phải tìm ra nguyên nhân, số tiền đó lấy từ đâu? Hợp pháp hay không hợp pháp? Nếu làm sai luật, chi sai việc truy thu, xuất toán là đương nhiên. Ngoài xuất toán hoàn trả lại những cái anh hưởng không đúng luật, anh còn phải chịu mức kỷ luật. 

Sai thì truy thu

 
Ông Bùi Sỹ Lợi

Trước thông tin mức lương (năm 2012) của nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp công ích tại TP.HCM lên đến hơn 2 tỉ đồng mỗi năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói với Thanh Niên Online ngày 28.8: "Lương thế thì quá “khủng”, chả có cơ chế tiền lương nào mà lại “khủng” như thế".

“Nếu viện lý do không dựa vào tiền lương của cơ quan mà làm bằng trí tuệ của các ông giám đốc (nói trên) cũng không thuyết phục vì mức lương đó nằm trong tiền lương của cơ chế hiện nay và nó cũng không phản ánh được thực tế của năng suất lao động hiện tại”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

* Thưa ông, chúng ta có đầy đủ ban bệ xét duyệt cơ chế tiền lương, các cơ quan thanh kiểm tra liên quan nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp công ích của nhà nước được hưởng mức lương cao một cách bất thường như vậy?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Ở đây có 2 vấn đề, một là cơ chế quản lý của các cơ quan, đơn vị có quyền hạn trách nhiệm duyệt đơn giá tiền lương còn lỏng lẻo. Vấn đề thứ 2 là doanh nghiệp đã biết rõ quy định nhưng cố tình vi phạm.

* Trong trường hợp xác định rõ việc trả lương “khủng” cho các vị giám đốc các doanh nghiệp trên là vi phạm thì có truy thu?

- Nếu trả lương không đúng quy định thì phải truy thu lại chứ, rõ ràng anh làm không đúng thì dứt khoát phải thu lại.  

* Thưa ông, mấy năm gần đây thi thoảng dư luận lại rộ lên một thông tin về mức lương khủng của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào đó và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Có nên tiến hành thanh kiểm tra đồng loạt về việc chi trả lương ở các DNNN hiện nay để kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm?

- Tôi nghĩ Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội phải rà soát lại toàn bộ quá trình xây dựng đơn giá tiền lương, cách chi trả lương ở các đơn vị hưởng lương từ các cơ quan nhà nước hiện nay, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước.

* Về phía Quốc hội, ông có đề xuất chương trình giám sát về vấn đề này?

- Lâu nay cũng có giám sát về vấn đề này nhưng còn có mức độ vì thời gian vẫn tập trung nhiều cho công tác xây dựng pháp luật. Nhưng từ các sự việc này, chúng tôi sẽ xem lại để cân nhắc đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, hoặc có thể Ủy ban các vấn đề xã hội cũng có thể độc lập kiểm tra, giám sát.

Thu HằngBảo Cầm
(thực hiện)

>> Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước
>> Kỷ luật 2 lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước
>> Nhiều sai phạm tại một doanh nghiệp nhà nước
>> Chờ hướng dẫn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.