Lương 5 triệu đồng/tháng có 'định mức sản phẩm', không đạt thì có bị giảm lương?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
28/06/2023 05:15 GMT+7

'Hợp đồng lao động ký với người lao động 5 triệu đồng/tháng, tương ứng với bán định mức 10 sản phẩm. Có trường hợp tháng đó người lao động chỉ bán 2 sản phẩm, tức 20% định mức, doanh nghiệp vẫn đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương 5 triệu đồng. Nhưng với lương thực nhận của người lao động, doanh nghiệp có được trả 20% của 5 triệu đồng, tức 1 triệu đồng hay không?'.

Trường hợp thắc mắc về tính lương tương ứng với định mức sản phẩm nêu trên của anh Phạm Văn Hiền, bạn đọc Báo Thanh Niên.


Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay theo quy định của bộ luật Lao động, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Lưu ý rằng, mức lương theo công việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Hiện nay, lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng/tháng (vùng 1); 4,16 triệu đồng/tháng (vùng 2); 3,64 triệu đồng/tháng (vùng 3); 3,25 triệu đồng/tháng (vùng 4).

Trong bộ luật Lao động cũng quy định người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

Lương 5 triệu đồng/tháng có 'định mức sản phẩm', không đạt thì có bị giảm lương? - Ảnh 1.

Việc trả lương theo tháng hay theo định mức (năng suất) phải nêu rõ trong hợp đồng lao động để làm căn cứ tính lương

NGỌC DƯƠNG

Nghị định 145/2020 của Chính phủ nêu rõ việc người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể là tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

Trong khi đó, tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Cũng theo Thông tư 10/2020 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động thì đối với mức lương theo công việc hoặc chức danh sẽ ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định;

Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Qua đối chiếu các quy định nêu trên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết tiền lương theo thời gian là hình thức trả lương được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc.

Còn tiền lương theo sản phẩm trả lương căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

Vì vậy, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động lựa chọn, thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương để làm cơ sở thực hiện.

Trên cơ sở hình thức trả lương, tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc, người sử dụng trả lương cho người lao động đảm bảo phù hợp quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.