Sau vai diễn Lương ‘bổng’ được nhiều khán giả yêu thích trong bộ phim Người phán xử, NSƯT Trung Anh trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn ông Sơn, người cha của 3 cô con gái trong bộ phim Về nhà đi con của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng.
Vợ mất khi sinh người con thứ ba khiến ông Sơn luôn ân hận, day dứt. Ông Sơn là người cha tuy có phần nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc, nhưng từng hành động, cử chỉ lại toát lên tình cảm yêu thương con vô bờ.
Anh nghĩ vì sao nhiều đạo diễn lại hay nhắm đến anh cho những vai người đàn ông có phần khắc khổ?
NSƯT Trung Anh: Chắc là do cái mặt mình (cười). Nhìn ở ngoài đã thấy khắc khổ rồi, lên hình thì trông khổ hơn 10 lần. Chắc các đạo diễn cũng “lười” tìm, nên vai gì khổ khổ lại nghĩ: thằng Trung Anh nó hợp (cười).
Thực ra, ban đầu, tôi suýt nữa không làm vai diễn này, vì khi được mời tôi có chút việc riêng. Lúc đó, tôi chưa đọc kịch bản. Nhưng sau khi được đọc kịch bản, tôi đã phải nói ngay với anh Danh Dũng rằng đây là kịch bản khiến tôi rất thích. Ít khi đọc kịch bản phim nào mà tôi lại khóc như vậy.
Vai diễn quá gần với hình hài khắc khổ của tôi. Điều đó có thể giúp tôi dễ diễn. Nhưng dễ thường đi kèm với không hay, hoặc nhạt. Bởi vậy, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về vai diễn này, trao đổi với đạo diễn trước khi quay, và mạn phép sửa một chút để tính cách nhân vật phù hợp hơn.
Việc lặp lại những kiểu vai diễn khắc khổ như vậy, anh có sợ mình khó thoát vai?
Có chứ! Như anh Hoàng Dũng (NSND Hoàng Dũng - phóng viên) cũng đã chia sẻ về việc thay đổi nhân vật là khó. Bởi có những nhân vật giống nhau đến 60 - 70%, để thoát ra khỏi nhân vật như thế thật sự là không dễ. Nếu nhân vật khác hẳn thì tìm tòi lại còn không khó bằng.
|
Vậy còn một ông bố trong phim và một ông bố Trung Anh ngoài đời có gì tương đồng với nhau?
Đó là tình yêu thương con. Ngoài đời, tôi cũng là người nghiêm khắc với con. Các con tôi không đứa nào thích theo nghề như bố. Từ bé, đã có đạo diễn mời đóng phim mà bọn trẻ từ chối luôn. Bọn trẻ nhà này và vợ tôi cũng ít xem phim bố hay chồng mình đóng (cười).
Vợ anh ít xem phim chồng đóng liệu có lý do vì không muốn thấy “cảnh này, cảnh nọ” của chồng?
Hai mươi năm tôi làm nghề, vợ chồng tôi rất hiểu nhau. Thực ra, cảnh nào có vấn đề là tôi từ chối. Có lần, đạo diễn mời đóng vai có cảnh "nóng", tôi từ chối thẳng. Vai diễn này có nhiều cảnh nhạy cảm, hơn nữa nhân vật trong phim cũng ít tuổi hơn tôi khá nhiều. Đóng những cảnh đấy rất khó với tôi.
Nhìn lại thì hầu hết những vai diễn mà anh đảm nhận không có cảnh "nóng". Lý do là vì anh ngại đóng cảnh “nóng” hay ít được đạo diễn giao cho những vai như vậy?
Tôi thường vào những nhân vật khắc khổ nên những cảnh như vậy không nhiều. Cách đây mấy năm, tôi có đóng phim của anh Lưu Trọng Ninh là Hoa cỏ may phần 3. Một số cảnh của tôi trong phim là cảnh “ấm”, chứ chưa phải cảnh “nóng” (cười).
Tôi vào vai một quan chức khá giả vô tình gặp một cô gái trẻ ở sân bay, rồi hai người cầm nhầm va li của nhau. Sau khi biết về thân thế người đàn ông, cô gái trẻ đã tìm cách mồi chài. Người đàn ông càng từ chối thì cô gái trẻ lại càng lao vào. Sau này, khi cô đã yêu ông thật thì ông cũng có tình cảm với cô. Đóng vai cô gái là diễn viên trẻ Vân Anh. Đấy cũng là lần đầu tiên Vân Anh đóng phim. Với tôi, quay những cảnh như vậy cũng đã thấy mệt rồi. Tôi thấy, lứa tuổi của mình không hợp đóng những cảnh đó.
Ít khi thấy anh đưa vợ xuất hiện trước đám đông, vì sao vậy?
Vợ tôi là người kín đáo, ngại xuất hiện trước đông người. Tôi cũng vậy, thường thấy ngại khi đến nơi tập trung trước đông người. Tôi không phải là người hiền lành đâu, mà là người sống biết điều. Nhưng lúc nào "bung" ra thì cũng kinh khủng lắm!
Thời gian qua cũng thấy anh ít xuất hiện tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi anh đã gắn bó trong suốt nhiều năm?
Hai năm nay tôi ít làm cho cơ quan. Tôi cũng đã có lần bật khóc khi Bộ (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) về làm việc với nhà hát. Tôi đã đứng lên để nói về đường hướng của nhà hát, cảm thấy nhà hát bị bỏ rơi. Tôi cảm thấy như công việc đang phản bội lại con đường nghệ thuật của mình. Dòng kịch tôi theo đuổi mấy chục năm nay bị biến tấu đi, chỉ cốt để phục vụ theo thị hiếu thị trường.
Trong khi, tôi nghĩ Nhà hát Kịch Việt Nam có truyền thống, phong cách riêng. Quan trọng là cần giữ được phong cách của nhà hát. Có lẽ, tôi là người lạc hậu, truyền thống nên thế. Mọi thứ không phù hợp với mình nữa, nên tôi thôi.
Bình luận (0)