Trong chuyến thăm Mỹ 3 ngày vừa kết thúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có thỏa thuận "khủng" để phục vụ quá trình tăng cường sức mạnh quân sự cho New Delhi.
Mỹ giúp Ấn Độ nội địa hóa chiến đấu cơ
Theo tờ The Times of India, tại chuyến công du trên, Tập đoàn General Electric (GE, Mỹ) và Hindustan Aeronautics Limited (HAL, một doanh nghiệp nhà nước của Ấn Độ) đã thỏa thuận hợp tác sản xuất động cơ F414. Đây là loại động cơ dùng máy bay chiến đấu Tejas của Ấn Độ.
Có tốc độ tối đa lên đến 1.980 km/giờ, tầm bay 1.850 km, bán kính chiến đấu 500 km và có thể mang theo nhiều loại vũ khí để tác chiến đa nhiệm, Tejas đang dần được New Delhi định hình thuộc nhóm chiến đấu cơ chủ lực cho quân đội Ấn Độ sau nhiều năm lệ thuộc vào các dòng máy bay chiến đấu do Liên Xô rồi Nga cung cấp. Một số quốc gia khác cũng đang xem xét đặt mua Tejas từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, động cơ F414 thì Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp GE. Chính vì thế, việc hợp tác sản xuất chung loại động cơ này cho phép New Delhi đẩy nhanh quá trình nội địa hóa dòng chiến đấu cơ Tejas. Qua đó, New Delhi không chỉ giảm sự phụ thuộc vào Moscow mà còn có thể mở rộng thị trường bán chiến đấu cơ.
Cũng trong chuyến thăm trên, hai bên đạt thỏa thuận Washington bán 31 máy bay không người lái (UAV) MQ-9B tổng trị giá 3 tỉ USD cho New Delhi. Số UAV này sẽ được hoàn thiện tại Ấn Độ và bao gồm 15 chiếc phiên bản SeaGuardian cho hải quân và 16 chiếc phiên bản SkyGuardian (chia đều cho lục quân và không quân).
Đây là dòng UAV trinh sát tầm xa, tích hợp nhiều hệ thống radar, trinh sát tối tân và có thể mang theo một số loại vũ khí để tấn công tàu chiến, mục tiêu trên mặt đất… Vì thế, việc trang bị MQ-9B cho phép Ấn Độ giám sát diện rộng trên biển lẫn trên bộ. Thời gian qua, khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc vẫn luôn căng thẳng, nên SkyGuardian được đánh giá sẽ giúp New Delhi theo sát các chuyển động quân sự của Bắc Kinh ở vùng biên giới. Bên cạnh đó, SeaGuardian có thể giúp Ấn Độ giám sát chặt chẽ hơn khu vực Ấn Độ Dương khi Trung Quốc gần đây thường xuyên triển khai tàu chiến đến vùng biển này.
Mỹ - Ấn ngày càng gắn bó
Sau một thời gian dài quan hệ Mỹ - Ấn căng thẳng do New Delhi phát triển vũ khí hạt nhân, quan hệ hai bên dần nồng ấm trong hai thập niên gần đây trước sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như những thách thức khác ở khu vực. Đặc biệt, những năm gần đây, Mỹ ngày càng cung cấp nhiều loại khí tài cho Ấn Độ. Thậm chí, theo CNBC, từ năm 2014 thì New Delhi trở thành khách hàng mua vũ khí lớn của Washington.
Trong đó, có hàng loạt hợp đồng vũ khí lớn như máy bay vận tải quân sự C17, máy bay săn ngầm P8 Poseidon, trực thăng chiến đấu hải quân MH-60R, trực thăng chiến đấu Apache, pháo hải quân MK 45, tên lửa đối hải Harpoon, ngư lôi, tên lửa chống xe tăng hệ thống phòng không….
Tiếp Thủ tướng Modi, Tổng thống Biden ca ngợi kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ
Bên cạnh các hợp đồng mua bán vũ khí, trong chuyến công du của Thủ tướng Modi vừa qua, Washington và New Delhi còn đạt thỏa thuận cho phép tàu chiến Mỹ có thể tiếp cận căn cứ của Ấn Độ để sử dụng các dịch vụ hậu cần. Như thế, các thành viên trong nhóm "bộ tứ" (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) đều có thỏa thuận tương tự thông qua cơ chế song phương dưới các hình thức như "Thu nhận và dịch vụ tương hỗ" (ACSA) hoặc "Hỗ trợ hậu cần" (LEMOA). Hai dạng thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc… Vì thế, khi các thành viên đều có thỏa thuận song phương như vậy với nhau, "bộ tứ" có thể thắt chặt hợp tác và phối hợp hoạt động quân sự.
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: "Hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn lần này là bước tiến quan trọng đối với quan hệ hai nước, đặc biệt là đối với chiến lược quốc phòng của New Delhi. Khi giảm sự lệ thuộc vào Nga, Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác với các thành viên còn lại trong nhóm "bộ tứ"".
Bình luận (0)