Lương phi công 200 triệu/tháng, vẫn khó tuyển

26/11/2011 14:07 GMT+7

Lương một phi công nước ngoài tại Việt Nam, được trả từ 150 - 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển phi công cũng không dễ, không cẩn trọng còn tuyển dính phi công chất lượng thấp...

Lương một phi công nước ngoài tại Việt Nam, được trả từ 150 - 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển phi công cũng không dễ, không cẩn trọng còn tuyển dính phi công chất lượng thấp...

Thuê phi công khó hơn... đào vàng

Lâu nay, với các hãng hàng không, chuyện tuyển phi công luôn là công việc khó khăn. Ở Việt Nam, hiện Air Mekong sử dụng 100% đội phi công Mỹ, Jetstar Pacific có 5 phi công người Việt Nam (60 phi công nước ngoài), Vietnam Airlines (VNA) là hãng duy nhất chủ động được nguồn phi công gốc Việt Nam hơn một nửa (400 người Việt, 360 phi công nước ngoài).

Chi phí tốn kém nhất cho các hãng hàng không sau nhiên liệu là tiền lương phi công. Tuy nhiên, không vì thế mà dễ thuê vì thị trường lao động luôn khan hiếm. Những hãng nhỏ luôn bị các hãng lớn mạnh “hút” hết phi công bằng chiêu trả lương cao.

Các chuyên gia hàng không tiết lộ, gần đây, các hãng hàng không Trung Quốc đã tạo cơn sốt phi công trong khu vực. Được biết, một phi công nước ngoài hành nghề (lái Airbus 320 tuỳ thuộc vào kinh nghiệm bay) ở Việt Nam được trả từ 7.000-12.000 USD/tháng, phi công Việt Nam do được trả chi phí đào tạo nên mức hưởng khoảng 2.000 USD (lái chính Boeing 777 có mức lương cao nhất, khoảng 100 triệu đồng).

Nhiều hãng hàng không trong khu vực kêu trời khi các hãng hàng không Trung Quốc sẵn sàng chi tới 16.000 USD cho cơ trưởng Airbus. Nhiều chuyên gia hàng không cho biết, đào tạo phi công bằng cả trọng lượng vàng tương đương cân nặng của anh ta, nên thuê được khó hơn đào vàng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, phần lớn các hãng hàng không khi tuyển dụng phi công đều thuê qua môi giới. Direct Personel là một trong 10 công ty môi giới nhân lực trong lĩnh vực hàng không khá uy tín trên thế giới, được nhiều hãng thuê, trong đó có Việt Nam.

Hiện trên trang điện tử của Direct Personel cũng đang đăng tuyển phi công Airbus 320 cho VNA với những quy định ngặt nghèo (tổng giờ bay tối thiểu 4.000 giờ, trong đó bay thương mại bắt buộc 1.500 giờ, chuyến bay Airbus 320 cuối cùng trong vòng 3 tháng gần đây, tuổi dưới 55...). Direct Personel chính là công ty môi giới viên phi công hạ cánh hụt (Kim Tae Hun - người Hàn Quốc) nghi gian lận chứng chỉ kinh nghiệm bay.

Làm giả chứng nhận bay để có lương cao

Ngày 25-11, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, viên phi công Kim Tae Hun hạ cánh hụt sau khi biến mất (khỏi Đoàn bay 919 của VNA) do bộ phận chức năng của VNA nghi anh này khai man kinh nghiệm bay Airbus 320, đang lái máy bay cỡ nhỏ ở Lào. Cty môi giới Direct Personel liên hệ, nhưng phi công này không hồi âm.

Theo một quan chức hàng không, không có chuyện phi công dởm hay bằng lái dởm. Bởi vì quy trình kiểm tra một phi công nước ngoài rất chặt chẽ. Theo đó, đầu tiên, các nhà môi giới phi công tập hợp các loại bằng cấp chứng chỉ và gửi cho hãng hàng không. Hãng hàng không xem xét, chuyển tiếp tới Cục hàng không Việt Nam. Chỉ khi Cục đồng ý, phi công nước ngoài mới vào Việt Nam để kiểm tra bay trên buồng lái giả định. Một giáo viên hướng dẫn (của hãng) được cử ra để giám sát và đối chiếu bằng lái, chứng chỉ... bản sao với bản gốc.

Qua cửa ải này, phi công mới được làm quen thông qua đi kèm trên các chuyến bay nhất định. Vẫn chưa hết, phi công phải mất 2 tuần đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện bay (của VNA) để làm quen với môi trường làm việc mới ở Việt Nam.

Một lần nữa Cục Hàng không kiểm tra kiến thức tổng quát theo quy định, nếu phi công vượt qua, mới có bằng hành nghề tại Việt Nam. Quy trình này được xem như bắt buộc cho phi công nước ngoài của các hãng hàng không nội địa, không riêng gì VNA.

Trường hợp viên phi công người Hàn Quốc lái cho VNA hạ cánh hụt, thông tin mới nhất cho biết, anh ta có 3 bằng lái máy bay do Cục hàng không Dân dụng Hoa Kỳ cấp (không có chứng chỉ bay Airbus), Hàn Quốc cấp (ATR 72, Airbus) và Indonesia. Khi bay ở Việt Nam, phi công này mới chỉ dùng bằng do Indonesia cấp (vẫn còn 2 bằng lái kia chưa cần dùng).

Khai gian ở đây là kinh nghiệm bay Airbus 320 với 680 giờ bay. Vì sao? Quy định trong ngành hàng không, phi công Airbus 320 khác nhau mức lương từ mức kinh nghiệm bay 500 giờ trở lên (thu nhập rất cao). Trường hợp phi công vừa chuyển loại lái Airbus 320 chưa có giờ bay kinh nghiệm lái thương mại vẫn có thể được điều khiển máy bay. Do đó, có thể hiểu, viên phi công nọ khai gian kinh nghiệm bay để hưởng mức lương cao.

Được biết, chứng nhận 680 giờ bay Airbus 320 được Hãng hàng không Batavia Air (Indonesia) xác nhận với nhà chức trách Việt Nam là giả (không có việc cấp chứng nhận cho phi công Kim Tae Hun kinh nghiệm bay như thế). Ngoài chứng nhận kinh nghiệm bay giả, viên phi công này còn giả cả nhật ký bay (ghi rõ lịch trình bay từng ngày cụ thể).

Được biết, phi công Kim Tae Hun trước khi lái cho VNA, từng lái cho hàng không Lào, Indonesia. Trong cuộc làm việc gần đây giữa VNA, quan chức Cục Hàng không Việt Nam với Direct Personel, được biết việc phi công khai gian kinh nghiệm bay là trường hợp hy hữu 20 năm mới xảy ra đơn vị này. Không những thế, có lần, phi công này còn thuê luật sư dọa kiện công ty môi giới nếu làm lớn chuyện. Tuy nhiên, từ đó đến nay, luật sư và phi công biến mất tăm.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.