Lượng tiền bơm ra lớn, vì sao giá USD vẫn giảm sâu?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/09/2024 18:10 GMT+7

Kho bạc Nhà nước thực hiện mua 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Dù vậy giá USD thời gian qua vẫn giảm khá mạnh và khả năng ở mức thấp trong những tháng cuối năm.

Kho bạc Nhà nước mua 150 triệu USD

Hôm nay (6.9), Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện mua tối đa 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại theo loại hình giao dịch giao ngay. Ngày thanh toán dự kiến là ngày 10.9. Đây là đợt mua ngoại tệ thứ 2 trong năm của KBNN. Trước đó, vào tháng 5, KBNN chào mua 100 triệu USD.

Lượng tiền bơm ra lớn, vì sao giá USD vẫn giảm sâu?- Ảnh 1.

KBNN dự kiến mua 150 triệu USD

ẢNH: NGỌC THẮNG

Việc chào mua ngoại tệ giao ngay là một trong những nghiệp vụ được KBNN áp dụng nhiều năm gần đây nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ của ngân sách nhà nước (trong đó có chi trả nợ nước ngoài). KBNN là đơn vị triển khai mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng thương mại.

Vấn đề là dù KBNN thực hiện mua ngoại tệ khối lượng lớn nhưng giá USD tại các ngân hàng tiếp tục giảm sâu. Chiều ngày 6.9, Vietcombank giảm mạnh 150 đồng mỗi USD, giá mua vào xuống còn 24.550 - 24.580 đồng, bán ra còn 24.770 đồng. ACB giảm giá USD thêm 130 đồng, nâng mức giảm trong 2 ngày qua lên 250 đồng, xuống 24.430 – 24.450 đồng chiều mua vào, bán ra 24.770 đồng... Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm mạnh 170 đồng, xuống 25.050 đồng chiều mua vào, bán ra 25.130 đồng.

So với đầu năm, giá USD hiện nay tại các ngân hàng chỉ còn tăng 500 đồng, tương đương 2%. Trong khi hồi tháng 5, các ngân hàng thương mại tăng giá ngoại tệ lên gần 5% so với đầu năm. Còn đồng bạc xanh trên thị trường tự do có mức trượt giảm mạnh hơn. Sau khi đạt đỉnh hồi tháng 6, lên 26.060 đồng/USD, giá đô la Mỹ tự do hiện "bốc hơi" 870 đồng, tương ứng giảm 3,3%.

Tiền ra nhiều nhưng tỷ giá đi xuống

KBNN mua 150 triệu USD từ ngân hàng thương mại, đồng nghĩa một lượng tiền tương đương hơn 3.700 tỉ đồng được đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang thực hiện bơm tiền ra trên thị trường mở. Chỉ trong 2 ngày 4 và 5 tháng 9, lượng tiền đưa ra thị trường hơn 13.064 tỉ đồng. Trước đó, nhà điều hành bơm ròng trong tháng 8 với lượng tiền 45.312 tỉ đồng, ghi nhận tháng bơm ròng thứ 2 liên tiếp. Lãi suất tín phiếu được duy trì ở mức 4,25%/năm. Diễn biến này đi cùng với việc tỷ giá tiếp tục giảm trong tháng qua. Lãi suất tiền đồng và USD trên thị trường liên ngân hàng chênh lệch ở mức thấp đã không áp lực đến tỷ giá. Hơn nữa, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 9 sẽ hỗ trợ NHNN không phải tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực tỷ giá vào những tháng cuối năm.

Trong phần trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn về tỷ giá mới đây, NHNN cho hay từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá chịu áp lực tăng do Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (mức cao nhất đến hơn 5% so với đầu năm 2024), tạo áp lực mất giá mạnh lên các đồng tiền. Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm (lãi suất VND thấp hơn USD). Nhập khẩu tăng mạnh làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt đối với nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trước áp lực nêu trên, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh việc phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá, từ ngày 19.4, NHNN thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Việc điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá nêu trên cũng tương tự như các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ (thanh khoản VND, lãi suất, truyền thông chính sách,…), can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.