Lâu nay, người ta biết Phạm Công Tâm hay rong ruổi vẽ tranh về phố thị Sài Gòn - TP.HCM, nơi anh đã sống hơn 60 năm qua. Tập tranh và ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn của anh ra mắt cách đây 2 năm thể hiện vẻ đẹp êm đềm của thành phố này trong tâm tưởng đầy hoài niệm của một người nghệ sĩ đang từng ngày chứng kiến thành phố vươn mình trở thành một đô thị hiện đại.
Quán cà phê Thanh Thủy Pensée trên hồ Xuân Hương |
ẢNH: Tranh Phạm Công Tâm |
Vậy Phạm Công Tâm đã khám phá và vẽ Đà Lạt từ khi nào? Anh thổ lộ, gia đình anh yêu quý Đà Lạt và năm nào cũng lên Đà Lạt vài chuyến để nghỉ dưỡng, bởi “Đà Lạt luôn mang đến cho chúng tôi sự bình an trong tâm hồn. Sài Gòn càng đông đúc náo nhiệt thì lòng tôi càng hướng về Đà Lạt”. Trong gần 2 năm không thể lên Đà Lạt vì dịch Covid, Phạm Công Tâm bắt đầu say sưa vẽ Đà Lạt trong tâm tưởng…
Hoa trang đài đỏ trên hàng rào một ngôi nhà đường Cô Bắc |
Đà Lạt là chủ đề sáng tác yêu thích của rất nhiều họa sĩ, nhưng vẽ Đà Lạt với nhiều chủ đề khác nhau như Phạm Công Tâm thì thực sự hiếm hoi. Tập sách tranh Cảnh sắc Đà Lạt - xứ ngàn hoa của anh (Phương Nam Book và NXB Thế giới ấn hành) gồm nhiều mảng: Biệt thự cổ phương Tây tạo nên một Đà Lạt - tiểu Paris, Cơ sở tôn giáo ở Đà Lạt, Phố xá và điểm du lịch, Ẩm thực đường phố, Xứ ngàn hoa trái…, và với mỗi đối tượng được anh chọn thể hiện, anh đều vẽ rất tỉ mỉ và chú giải chi tiết. Có lẽ, đối với họa sĩ, cảnh sắc Đà Lạt không đơn thuần là cảnh thiên nhiên, mà nó là sự tổng hòa của vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa, ẩm thực, hoa cỏ, đường sá, con người… Vẫn sử dụng chất liệu màu nước, Đà Lạt trong các bức tranh của anh toát lên vẻ đẹp thật bình yên, thơ mộng và phảng phất chút không khí nhớ nhung.
Một tiệm bán đặc sản Đà Lạt |
Đà Lạt đang thay đổi khá nhanh những năm gần đây do bùng nổ du lịch và gia tăng dân số. Mỗi người yêu Đà Lạt đã có cách ứng xử khác nhau với những thay đổi đó. Cách của Phạm Công Tâm là lặng lẽ vẽ về Đà Lạt, “ghi nhận những vẻ đẹp của ngày hôm nay, để có thể góp chút nào đó cho Đà Lạt sau này về tư liệu, hình ảnh”.
Một biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo |
Bắp và khoai nướng trên đường phố Đà Lạt |
Bình luận (0)