TNO

Lưu luyến gánh bánh đúc mặn Cần Thơ

15/05/2014 16:25 GMT+7

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Tôi lễ phép hỏi bà chủ rằng đây là bánh gì thì bà vừa cười vừa đáp lời, trang trọng không kém mà lại rất miền Tây nữa chứ: “Thưa cô, đây là bánh đúc mặn!”.

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Tôi lễ phép hỏi bà chủ rằng đây là bánh gì thì bà vừa cười vừa đáp lời, trang trọng không kém mà lại rất miền Tây nữa chứ: “Thưa cô, đây là bánh đúc mặn!”.

>> Ăn gì để nhớ Tây Nguyên?
>> Vũ điệu bánh canh

Lưu luyến gánh bánh đúc mặn Cần Thơ 1
Một phần bánh mặn Lê Lai có màu sắc hấp dẫn bởi các loại rau thơm, cà rốt nước cốt dừa 

Nhiều khi ngồi nghĩ lại thấy mình cũng buồn cười, thích cái gì rồi thì cứ thấy nó ngon mãi trong tiềm thức vậy đó. Cái tiềm thức "thiên vị" ấy của tôi hôm nay tự dưng nhớ về món bánh đúc mặn mà tôi từng được thưởng thức ở Cần Thơ, mà lại là từ gánh hàng rong của một cụ bà già hom hem khắc khổ.

Đó là vào một buổi chiều tháng Ba của năm năm trước, khi tôi còn là cô sinh viên năm cuối và lần đầu tiên xuống Cần Thơ một mình đi thực tế viết bài. Xong việc và trong lúc đợi xe về lại Sài Gòn, tôi lang thang trong khu phố gần chợ cổ giết thời gian thì bắt gặp gánh hàng rong nằm sát tường trên con đường nhỏ của một cụ bà. Trời chiều mới bớt nắng và vẫn còn oi bức mà gánh của hàng của cụ thì lẻ loi giữa phố nên tôi tò mò đến gần.

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Tôi lễ phép hỏi bà chủ rằng đây là bánh gì thì bà vừa cười vừa đáp lời, trang trọng không kém mà lại rất miền Tây nữa chứ: “Thưa cô, đây là bánh đúc mặn!”.

Nói về cái sự mê ăn hàng thì thôi rồi, tôi gọi một đĩa bánh mà hương vị ăn còn nhớ tới giờ. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến món ăn tưởng hơi dị nhưng lại ngon đến lạ. Tôi hỏi bà trời còn hầm vầy sao bán sớm quá thì nghe cụ bảo mười mấy năm rồi có làm sao đâu, bán sớm đặng về sớm. Vừa ăn vừa nghe bà cụ “thưa cô, thưa cậu” liên tục để mời khách sao mà thương quá đỗi.

Sau này ra trường đi làm, đã nhiều lần công tác qua Cần Thơ nhưng tùy theo công việc, tiện đâu thì ăn đó chứ chưa bao giờ có đủ thời gian tìm lại gánh bánh đúc gần chợ cổ ngày xưa. Trong những Lễ hội bánh dân gian Nam bộ ở Sài Gòn, gặp lại món bánh đúc mặn được cắt đặt thật đẹp mắt giữa cơ man những loại bánh ngon làm từ bột gạo, tự nhiên thấy nhớ một dĩa bánh đúc mơ hồ của năm xưa quá đỗi...

Lưu luyến gánh bánh đúc mặn Cần Thơ 2
Bánh đúc mặn trong Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại Sài Gòn 

Rồi cũng được một dịp tôi ghé lại Cần Thơ chơi, nói nhớ và nằng nặc đòi bạn chở đi ăn bánh đúc mặn gần chợ cổ, không tên không tuổi của một bà già móm mém. Bạn bảo, làm gì có cái gánh nào của bà già móm mém ở chỗ đó nữa. Thấy tôi tần ngần bạn cũng chở đi tìm, "xới tung" hết khu Tân Trào, Phan Đình Phùng, Nguyễn An Ninh... đúng là không thấy thật. Bạn bù đắp bằng cách chở qua phố Lê Lai ăn bánh tằm và bánh đúc mặn nhưng lòng thì vẫn cứ xuyến xao xao xuyến.

Bánh đúc chẳng phải là món ăn xa xỉ gì, nhưng kể để bạn yên tâm mà tự hào rằng nếu tính cả ba miền Bắc Trung Nam, chắc có đến ngót hai chục loại khác nhau. Thấy dân gian có câu ca rằng “Bánh đúc ăn với cá kho, bán bò mà lo trả nợ”, cũng từng thấy nhà văn Kim Lân hào phóng để cái anh tên Tràng nhặt được vợ mà chỉ mất có bốn bát bánh đúc. Còn tôi, nhắc đến bánh đúc sao cứ thấy nhớ hoài bà chủ gánh hom hem gần chợ cổ Cần Thơ ngày ấy. Ừ thì bán gánh, biết được sẽ về đâu!

 

Thường Xuân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.