Lưu ý 2 bước của quy trình đăng ký xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực

Hà Ánh
Hà Ánh
04/04/2023 13:25 GMT+7

Sáng nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. Khi biết điểm thi này, thí sinh cần làm gì để tham gia xét tuyển và trúng tuyển vào các trường?

Biết điểm thi đánh giá năng lực, thí sinh cần làm gì để trúng tuyển? - Ảnh 1.

Hơn 88.000 thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sáng nay, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả của 88.052 bài thi đánh giá năng lực đợt 1. Kết quả phân tích cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 639,2 điểm. Đáng chú ý, đợt thi này có 152 thí sinh đạt hơn 1.000 điểm và bài thi có điểm cao nhất là 1.091 điểm.

Những việc cần làm

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những thông tin mới về xét tuyển năm 2023" được phát trực tuyến sáng nay trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook Facebook.com/thanhnien, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên diễn ra rất kịp thời giúp thí sinh biết cần làm gì trong giai đoạn này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, lưu ý những việc cần làm sau khi biết điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.

Theo đó, thí sinh cần lưu ý thực hiện đủ 2 bước độc lập của quy trình đăng ký dự thi và xét tuyển vào các trường bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Những thí sinh dù thi ở đợt 1 hay đợt 2 cũng cần thực hiện việc đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi này vào các trường theo hệ thống chung của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc cổng đăng ký riêng từng trường. Chẳng hạn, thí sinh sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực này để xét vào Trường ĐH Tài chính-Marketing cần đăng ký đồng thời đăng ký xét tuyển trên cổng chung của ĐH Quốc gia TP.HCM và cổng riêng của trường. Trên cơ sở đó, trường kết nối dữ liệu để xét tuyển đảm bảo công bằng nhất cho thí sinh.

"Những thí sinh đã thi đợt 1 nhưng cảm thấy bài thi chưa thể hiện hết khả năng của mình thì có thể đăng ký dự thi đợt 2 của ĐH này. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều kỳ thi riêng của các trường ĐH khác như: Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Sài Gòn…", thạc sĩ Phụng nói thêm.

Những mốc thời gian quan trọng của tháng 4

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết Bộ GD-ĐT đã công bố chính thức kế hoạch tuyển sinh, trong đó quy định một số mốc thời gian quan trọng. "Quy trình xét tuyển không mới nhưng thời gian thực hiện được đẩy sớm hơn một năm so với năm trước. Do đó, thí sinh cần quan tâm theo dõi thật kỹ để không bỏ mất cơ hội khi tham gia xét tuyển các phương thức của các trường trong cả nước", tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang nêu ra một số mốc thời gian thí sinh cần lưu ý về xét tuyển. Cụ thể, các trường ĐH sẽ kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển thẳng trước ngày 30.6. Với phương thức xét tuyển sớm, trước 17 giờ ngày 8.7 các trường ĐH sẽ chốt dữ liệu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển đưa lên hệ thống. Đặc biệt là từ ngày 10-30.7 thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT - đây là cột mốc rất quan trọng bởi sau thời gian này thí sinh không còn quyền thay đổi nguyện vọng.

Tiếp theo đó, từ ngày 12-20.8 các trường ĐH sẽ thực hiện lọc ảo chung trên hệ thống, sau đó các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển chính thức đợt 1 trong thời gian từ 20-22.8. Sau đó, thí sinh xác nhận trên hệ thống của Bộ và xác nhận nhập học tại các trường. Tất cả các khâu của quy trình xét tuyển đều thực hiện trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.

Hiện nhiều trường ĐH đã công bố thời gian nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM… Trong đó, với các trường tham gia cổng đăng ký xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu nhận đăng ký từ ngày 5-28.4.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lưu ý, hiện nhiều trường ĐH đang nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ. Nhưng tháng 4 là thời điểm nhiều trường ĐH mới bắt đầu công bố thời gian nhận hồ sơ xét tuyển sớm dựa vào học bạ, ví dụ Trường ĐH Tài chính-Marketing nhận hồ sơ từ giữa tháng 4 này.

Theo thạc sĩ Phụng, cũng trong tháng 4, một mốc thời gian rất quan trọng là ngày 26.4 Bộ GD-ĐT mở cổng cho thí sinh đăng ký dự thi thử, 4.5 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cổng của Bộ. "Kỳ thi này là mốc rất quan trọng để thí sinh tốt nghiệp THPT. Đây là điều kiện cần để chính thức trúng tuyển vào các trường ĐH dù bằng phương thức xét tuyển nào", thạc sĩ Phụng nhấn mạnh.

Biết điểm thi đánh giá năng lực, thí sinh cần làm gì để trúng tuyển? - Ảnh 2.

Các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến sáng nay 4.4

L:Ê THANH HẢI

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết trường ĐH này có các phương thức xét tuyển sớm dựa vào học bạ, dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực… "Mỗi trường có những quy định đặc thù trong phương thức xét tuyển cụ thể, thí sinh nên bỏ thời gian tìm hiểu kỹ thông tin quy định từng trường. Thí sinh dù đủ điều kiện các phương thức sớm này vẫn cần đạt điều kiện tốt nghiệp THPT. Dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ, nếu các em chủ quan bỏ qua khâu này sẽ rớt oan uổng", tiến sĩ Phương lưu ý.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.