Bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3) thông tin: Cây đậu biếc là một loài thực vật có hoa thuộc họ đậu, có tên khoa học là Clitoria Ternatea. Hoa đậu biếc thường mọc thành từng chùm và mang màu xanh tím đặc trưng rất đẹp, thường được gọi với nhiều cái tên khác nhau, phổ biến nhất vẫn là hoa đậu biếc và đậu tím.
"Hoa đậu biếc chứa các hoạt chất glycosid và este nên có màu xanh biếc đặc trưng. Bên cạnh đó, trong hoa đậu biếc còn chứa anthocyanin và flavonoid đều là những hợp chất tốt cho sức khỏe con người", BS Vũ cho biết về 7 lợi ích của loại hoa này với sức khỏe.
1. Ngăn ngừa lão hóa sớm. "Hoạt chất anthocyanin trong hoa đậu biếc có tác dụng tăng cường sản sinh collagen giúp nuôi dưỡng làn da và mái tóc từ sâu bên trong. Các hoạt chất elastin, flavonoid và quercetin trong hoa giúp duy trì độ đàn hồi của da, cân bằng độ ẩm cho da cũng như tăng cường tế bào tóc", BS Vũ cho hay.
2. Cải thiện sức khỏe não bộ. Hoa đậu biếc có chứa hoạt chất proanthocyanidin. Hoạt chất này rất tốt đối với hệ thần kinh trung ương, giúp lưu thông máu lên não dễ dàng hơn, tăng cường trí nhớ. Chúng thường được dùng để điều chế thực phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến não.
3. Cải thiện sức khỏe tim mạch. Các chất chống ô xy hóa của hoa đậu biếc không chỉ giúp phòng chống nhiễm trùng mà còn có công dụng loại bỏ cholesterol và triglyceride xấu trong máu. Nhờ đó, sử dụng hoa đậu biếc giúp bảo vệ thành mạch, ngừa xơ cứng mạch máu, giảm huyết áp và hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch.
4. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Hoạt chất flavonoid trong hoa đậu biếc có khả năng kích thích tuyến tụy sản sinh insulin giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, theo BS Vũ.
5. Cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu. Theo nhiều tài liệu cổ, hoa đậu biếc có tác dụng an thần, giảm căng thẳng. Ngoài ra, flavonoid trong hoa đậu tím cũng giúp kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
6. Bảo vệ sức khỏe của mắt. Trong hoa đậu biếc có chứa thành phần proanthocyanidin. Đây là chất chống ô xy hóa mạnh giúp tăng lưu lượng máu đến mao mạch của mắt, hiệu quả trong việc điều trị tình trạng tổn thương võng mạc, tăng nhãn áp hoặc mắt bị mờ, mỏi…
7. Kiểm soát cân nặng. Trà hoa đậu biếc chứa hợp chất catechin EGCG giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, từ đó làm đốt cháy nhanh hơn lượng calo trong cơ thể. Bên cạnh đó, hoạt chất anthocyanin trong đậu biếc giúp ngăn cản sự tích tụ chất béo trong nội tạng.
Trong hoạt chất của hoa đậu biếc có chứa anthocyanin với tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu, tăng lưu thông máu, thúc đẩy sự co bóp tử cung.
Vì vậy, khi sử dụng trà hoa đậu biếc, chúng ta nên lưu ý hạn chế dùng trong các trường hợp: đang có thai, đang trong giai đoạn hành kinh, đang chuẩn bị làm phẫu thuật.
"Những người bị máu khó đông tuyệt đối không nên dùng hoa đậu biếc. Những trường hợp bị huyết áp thấp cũng không nên sử dụng nhiều loại hoa này. Khi sử dụng thường xuyên, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ", BS Vũ lưu ý.
Bình luận (0)