Có người cho rằng cô này may mắn lấy chồng chăm việc nhà, cô kia xấu số lấy phải chồng “lưng dài làm biếng”. Nhưng thật ra chồng chăm hay lười phần lớn... do vợ.
Nhìn tổng quát có thể thấy đàn ông ngại làm việc nội trợ có hai nguyên nhân chính:
Cần cảm ơn chồng khi chồng chia sẻ việc nhà. Rất ít người vợ nói cảm ơn chồng. Ngay cả khi về đến nhà, chồng phải dắt xe lên, lúc đi làm lại dắt xe xuống nhưng không những vợ đã không cảm ơn mà có khi còn chưa bao giờ nghĩ là mình cần phải cảm ơn chồng. |
Thiên tạo
Tức là trời sinh ra thế! Ngay ở các nước phát triển như Nhật Bản, phụ nữ có thu nhập khá cao, khảo sát cũng cho thấy thời gian đàn ông làm việc nhà chỉ bằng 1/4 phụ nữ. Mặt khác, do đặc điểm giới tính, đàn ông thích khám phá, sáng tạo, nhưng việc nội trợ lại ngày nào cũng như ngày nào nên họ không mấy hứng thú. Một điểm nữa dễ thấy là nói chung đàn ông cơ bắp khỏe hơn phụ nữ, thích hợp với những công việc nặng nhọc mà không thể khéo léo, tỉ mẩn như phụ nữ, vì vậy họ ngại làm những việc này.
Nhân tạo
Thực tế cũng là đàn ông nhưng có anh lười nhiều có anh lười ít, có anh không lười. Chứng tỏ lười không phải bản chất của chồng bạn. Có anh rất chăm việc cơ quan mà về nhà vẫn lười. Có thể nói đàn ông có lười việc nhà hay không ảnh hưởng từ vợ rất nhiều. Nếu bạn cứ làm hết mọi việc cho chồng thì làm sao anh ấy siêng hơn được! Từ một chàng trai được mẹ và chị em gái chiều chuộng hết mức, ít khi phải mó tay vào việc nhà, đến chỗ trở thành một người chồng biết cùng vợ chia sẻ công việc gia đình là một nghệ thuật.
Bạn có muốn biết nghệ thuật đó không?
Bí quyết
Một là, vợ phải cho chồng thấy làm việc nhà họ được lợi gì! Bởi hầu hết đàn ông tham gia việc nhà đều có sức khỏe tốt hơn. Việc đi lại hay lên xuống cầu thang và làm các việc lặt vặt trong nhà luôn tay luôn chân có tác dụng không khác gì tập thể dục thường xuyên, nhất là với những người suốt ngày ngồi ôm máy vi tính.
Hai là, đàn ông có thể tìm thấy niềm vui trong công việc nội trợ. Do đặc điểm của họ là thích cái mới, không thích lặp lại những món ăn giống như ngày hôm qua. Vì thế, người vợ khôn ngoan khi thấy chồng vào bếp thì nên tìm mọi cách động viên khích lệ. Nếu chồng dọn nhà, bày biện theo ý riêng, vợ phải khen đẹp chứ không nên chê bai. Nếu lại bắt chồng dẹp bỏ đi, bày biện lại theo ý mình thì chẳng khác nào bảo anh ta “từ lần sau cứ nằm khểnh ở đivăng xem tivi cho tôi nhờ”.
Ba là, vợ phải chỉ việc cụ thể cho chồng. Như lau nhà, giặt quần áo, quét sân, tưới cây... Yêu cầu càng ngắn gọn càng tốt, vì đặc điểm của đàn ông là không thích nghe nói dài. Thí dụ: “Anh quét hộ em cái nhà nhé!”. Không nên nói kiểu ca cẩm: “Ai đến nhà mình người ta phát khiếp lên được, cứ như là cái chợ, vừa thu dọn xong lại bày ra. Con thì vứt đồ chơi khắp nhà, cha thì cứ ngồi đấy, còn bao nhiêu việc chưa làm. Sao anh không đứng dậy quét nhà đi!”.
Bốn là đàn ông luôn cần những lời khen. Bản chất đàn ông là hiếu thắng, bạn hãy giúp chồng tìm thấy “chiến công” ngay trong việc gia đình. Sao cho anh ấy cảm thấy luôn đứng ở vị trí “số một”. Khéo nhất, tài nhất, làm cái gì cũng nhất. Chứ đừng xếp anh ấy vào hàng thứ hai, sau bạn.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)