Luyện kỹ năng dẫn chương trình

09/11/2008 21:57 GMT+7

MC (người dẫn chương trình) là một nghề khá "hot" trong giới trẻ ngày nay, nhưng không phải ai muốn cũng có thể làm được.

MC Thanh Bạch - trong một lần giao lưu với học viên lớp MC khóa 37 (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) - đã khẳng định: “MC là diễn lại chính mình, phải làm sao thổi cảm xúc của mình qua từng chương trình thì mới có thể làm tốt được”. Trong suốt khóa học ba tháng, được học nhiều môn như: tiếng nói sân khấu, nghệ thuật diễn cảm, làm chủ sân khấu, phong cách dí dỏm..., các học viên của lớp MC đã nhận ra điều đó. Bạn Ngọc Anh - từng dẫn chương trình ở các siêu thị trong những dịp khuyến mãi - cho biết: “Nghề này đòi hỏi sự tự tin và nhiều kỹ năng khác, đặc biệt phải rèn luyện nhiều. Lúc đầu mình cũng run khi nói trước đám đông nhưng dần dần rồi quen”.

Những SV có khả năng làm MC thì hằng tuần có thể nhận show đi dẫn ở các nhà hàng, tiệc cưới với cát-sê từ 300.000 - 500.000 đồng/show. Với món tiền này, nhiều SV có nghề cũng "đỡ khổ" hơn trong thời buổi tăng giá.

Khóa học nào cũng có vài MC đã đi làm đây đó cùng các bạn trẻ mới tập tành vào nghề. Nhưng đa số đều có chung suy nghĩ: “Học lớp MC để bổ trợ thêm kỹ năng mà mình thiếu hụt, để hiểu thêm về nghề này”. Được học với những người thầy từng gắn bó 16 năm với lớp học MC của Nhà văn hóa Thanh niên như thầy Trần Trung Quang, Trần Nam Anh... nhiều bạn “sáng” ra: “Hóa ra mình còn sai nhiều quá. Nhiều lúc mình dẫn chương trình giống như cái máy đọc mà cứ tưởng mình đã ngon!”. MC cần phong cách trên sân khấu, giọng nói và cả cách ứng xử trong những khi có “biến”. Nhiều bạn chưa biết cách cầm micro cho đẹp, giọng nói ấm nhưng phát âm theo kiểu đọc, chân đứng quá khép hoặc quá mở... đều được các giáo viên chỉnh để trở thành “diễn viên” diễn chính mình cho thật xuất sắc. Chính vì vậy, trong suốt quá trình học, bên cạnh những giờ lý thuyết thì học viên nào cũng phải bước lên sân khấu để được chỉnh từ giọng nói đến phong cách.

Ông Trần Trung Quang - giáo viên chủ nhiệm của lớp MC bộc bạch: “Trong nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy lớp này, tôi thấy có nhiều em thành danh. Tuy nhiên, cũng có anh chị sau khi học xong ở đây khi đi dẫn đám cưới thì người ta... khóc, còn dẫn đám ma thì người ta... cười!”. Câu nói dí dỏm của ông Quang để minh chứng cho sự khó khăn của cái nghề mà không phải ai muốn cũng có thể làm được. Phải thật sự có chất giọng (dày, ấm, có cảm xúc) và phong cách tự nhiên trên sân khấu cùng khả năng ứng xử "thiên biến vạn hóa" trước nhiều tình huống thì mới làm tốt được.

Anh Phan Duy, một người 5 năm làm MC (từ các chương trình ở trường cho đến các show ở Nhà văn hóa Thanh niên) chia sẻ: “Đó là một nghề kiếm tiền khá dễ nhưng không đơn giản. Tuổi thọ của nghề ngắn và phải cạnh tranh rất nhiều”. Hiện nay, tuy nhiều chương trình, lễ hội của các công ty cần nhiều MC nhưng cũng khó có chỗ đứng cho những MC nửa vời. Trong khi đó, nhiều công ty cũng cho nhân viên PR của mình đi học lớp MC để củng cố kỹ năng và về dẫn chương trình cho chính công ty. Bạn Quỳnh Thảo (Công ty Fujisu) là một trong những nhân viên được công ty cử đi học, chia sẻ: “Mình đã dẫn chương trình ở công ty nhưng nay đi mới thấy còn nhiều điều chưa được. Công ty yêu cầu mình làm tốt hơn vai trò đó trước hàng ngàn công nhân trong những lễ hội do công ty tổ chức, nên phải đi học. Riêng bản thân mình thì cũng có thêm một kỹ năng quý báu”...

Bên cạnh đó, việc học lớp “Người dẫn chương trình” đối với nhiều bạn chỉ đơn thuần là “để dạn dĩ và rèn luyện khả năng ăn nói”, bạn Bích Thủy cho biết. Bạn Quang Duy thì khẳng định: “Tôi xác định ngay từ đầu, đây là nghề “hot” nhưng không dễ dàng. Vì vậy, học để biết và cũng là tự thẩm định năng lực của mình để không ảo tưởng mà làm khổ bản thân”.

Lưu Mạnh Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.