Lý do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phải lên tiếng mạnh mẽ về dự thảo luật Điện ảnh?

P.C.Tùng
P.C.Tùng
28/09/2021 11:36 GMT+7

Là một trong những người đứng ra tổ chức tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên vừa tạo chú ý lớn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thẳng thắn chia sẻ vì sao phải lên tiếng mạnh mẽ để góp ý dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi lúc này.

Mới đây, các nhà làm phim, nhà phát hành, nhà sản xuất, các chuyên gia về luật và văn hóa... đã tham gia góp ý sôi nổi trong tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên (26.9) mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là một trong những người đứng ra tổ chức. Mọi người đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi, nêu lên nhiều vấn đề lớn tồn tại của luật Điện ảnh (ra đời từ 2006) vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo luật Điện ảnh (mới) - dự kiến được trình Quốc hội vào tháng 10.

Những tên tuổi tham gia tọa đàm

Ảnh: NSCC

Sự kiện dài gần 6 tiếng đồng hồ, quy tụ các tên tuổi: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn... Các vấn đề nóng, những góc nhìn đa chiều, các giải đáp, các sáng kiến lần đầu tiên được công khai tranh biện và chất vấn một cách tập trung, khách quan trên tinh thần xây dựng một bộ luật Điện ảnh sắc nét, vì sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam.
Các diễn giả của tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên cũng đã cùng nhau ký chữ ký tượng trưng cho bản kiến nghị chính thức cho dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi và mong rằng “đây sẽ là khoảnh khắc lịch sử của điện ảnh Việt Nam”.

Giới làm phim ký chữ ký cho những kiến nghị

Ảnh: Chụp màn hình

Sau sự kiện này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ thẳng thắn về những “công khai minh bạch” mà mọi người đã nói, cũng như những lý do riêng tư trong chính bản thân để thôi thúc anh cùng mọi người thực hiện sự kiện.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: “Lý do mà tôi tham gia lên tiếng cho buổi đóng góp ý kiến này, chính là vì tôi tin vào luật Điện ảnh sẽ tạo nên hành lang pháp lý bảo vệ cho người làm phim giữ được tầm nhìn và sự sáng tạo của họ với tác phẩm, kiến tạo được một sân chơi công bằng, thúc đẩy cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Bản dự thảo luật Điện ảnh mới đã có tiến bộ so với Luật Điện ảnh hiện hành, nhưng nó còn nhiều bất cập mà tôi nghĩ rằng nếu ban soạn thảo lắng nghe ý kiến từ những người làm nghề sẽ xây dựng được bộ luật tốt hơn cho cả công tác quản lý lẫn việc phát triển nền điện ảnh”.
“Có người nói với tôi rằng bàn cho lắm cũng sẽ chẳng đi tới đâu đâu, có người còn bảo chúng tôi chỉ là đám đi kể khổ, rằng chúng tôi thích đóng vai nạn nhân… Tôi thì suy nghĩ rất đơn giản và hồn nhiên, rằng nếu có cơ hội để giúp sức thay đổi cho một điều tốt đẹp hơn thì tôi lên tiếng, để ít nhất sau này tôi không hối hận rằng “giá như”, để tôi có thể tự nói với bản thân rằng mình đã cố hết sức. Những câu chuyện kiểm duyệt mà chúng tôi trải qua, ở thời điểm khi xảy ra đó thì nó khiến tôi tức giận và mệt mỏi, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi chỉ còn thấy nó như những câu chuyện cười, những dark comedy material (thể loại phim tài liệu hài kịch đen tối). Thế nên bạn có thể cho đó là kể khổ, còn tôi chỉ xem đó là chuyện cười ra nước mắt. Thế nhưng tôi phải kể lại để nó không lặp lại với tôi hay những đồng nghiệp của tôi trong tương lai, để mọi người bên ngoài hiểu chuyện mà chúng tôi trải qua là gì”, đạo diễn của Cô gái đến từ hôm qua, Em là bà nội của anh và cũng là nhà sản xuất của Tiệc trăng máu chia sẻ.
Về việc khi có ý kiến cho rằng phim ảnh khiến tình hình tội phạm gia tăng, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn phát biểu: “Tôi nghĩ rằng người đó có lý riêng, có niềm tin riêng của họ. Tôi cũng vậy, tôi cũng tin điện ảnh có thể thay đổi hành vi, thái độ và suy nghĩ của con người, nhưng niềm tin của tôi ngược lại. Tôi có niềm tin tốt đẹp vào điện ảnh, rằng điện ảnh có thể làm cho chúng ta yêu cuộc sống hơn, khiến chúng ta trở thành người tốt hơn, giúp chúng ta hiểu hơn về lẽ sống và về con người và về thế giới quan mà chúng ta đang sống”.

Phan Gia Nhật Linh từng được mời tham gia góp ý, nêu tham luận tại nhiều diễn đàn điện ảnh của Liên hoan phim Việt Nam hay mới đây là sự kiện do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) tổ chức nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt Nam khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ảnh: T.L

Phan Gia Nhật Linh biết ơn điện ảnh và nhiều bộ phim hay mà anh đã xem trong đời để có thể “trở thành tôi của ngày hôm nay”. Anh mong và hy vọng: “Tôi cũng tin vào những bộ phim mình đã làm, đem đến cho khán giả đã xem bộ phim những cảm xúc tốt đẹp, bởi rất nhiều người đã nhắn gửi cho tôi tin nhắn chia sẻ cảm xúc của họ, kể về những câu chuyện mà họ đã thay đổi ra sao sau khi xem phim, kể về những kết nối lại với cha mẹ, với con cái, với người thân, với bạn bè nhờ vào những bộ phim của tôi mà họ đã xem. Tôi tin rằng, những người làm phim đều mong muốn đem đến cho khán giả những câu chuyện, những thông điệp để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, những giá trị chân thiện mỹ theo cách riêng của họ”.
Anh nói về những bất cập còn tồn đọng trong điện ảnh Việt: “Tôi không tin vào cấm đoán những giá trị tương đối trong điện ảnh. Vì lẽ đó, chúng tôi khi bàn luận về việc sửa đổi Luật Điện ảnh, chúng tôi muốn đề xuất hãy bỏ đi hạng mục các điều cấm mang tính chất tương đối, dễ bị diễn giải theo ý chí của người thực thi luật, thay vào đó là đề xuất một bộ tiêu chí, bởi bộ tiêu chí cho nhà làm phim lẫn khán giả được quyền lựa chọn và thể hiện sự tôn trọng khán giả, không xem khán giả trưởng thành là những đứa trẻ cần được bảo bọc.
Tôi cũng tin rằng, vẻ đẹp của điện ảnh sẽ giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, và luật Điện ảnh sẽ giúp cho điện ảnh có thể phát huy được vẻ đẹp đó, bảo vệ được các tác phẩm không bị trở nên "quặt quẹo" vì bị cắt xén, bị thay đổi bởi những yêu cầu vô lý của những người quản lý viện dẫn luật một cách lệch lạc và mù mờ khi luật vẫn còn những chỗ chưa được rõ ràng.
Nghe những người anh lớn trong nghề, từ anh Nguyễn Vinh Sơn với câu chuyện về "cái chết" tức tưởi của một bộ phim trước khi kịp ra đời chỉ bởi một cú điện thoại; của anh Trần Anh Hùng về bộ phim bị mang tiếng là “phản động” dù nó được đoạt giải thưởng tại LHP uy tín thế giới, nhưng không hề thật sự có một văn bản nào được đưa ra nói về sự cấm bộ phim; của anh Charlie Nguyễn với câu chuyện về một bộ phim bị cấm không hẳn vì bản thân bộ phim mà chỉ vì dư luận lúc đó đã đứng về phía bộ phim khiến người quản lý thấy không hài lòng, mình có thể thấy sự đau lòng và cay đắng vẫn còn ở đó, và cảm giác ấy vẫn tiếp diễn với thế hệ hôm nay, với Ròm, và với Vị”.
Với tất cả những điều nêu trên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định: “Đây là lúc cần thay đổi, bởi điện ảnh không chỉ là văn hóa, điện ảnh còn là kinh tế, là một nền công nghiệp vươn ra thế giới. Nếu không lên tiếng lúc này, thì là lúc nào? Và tôi tin, sự đổi mới về tư duy trong công tác quản lý đất nước của chính phủ hôm nay sẽ nhìn nhận vai trò của điện ảnh và luật Điện ảnh một cách đúng đắn, tích cực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.