Lý do trước đây tên đất nước Philippines không có ‘s’

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
20/02/2023 11:32 GMT+7

Có quan điểm cho rằng cái tên Philippines do người Pháp dịch từ cụm từ "Islas Filipinas" trong tiếng Tây Ban Nha rồi nói tắt thành Philippines. Thật ra không phải vậy, và ban đầu vì sao tên nước Philippine không có "s"?

Trong thế kỷ 16, khi đến quần đảo Philippines ngày nay, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ruy López de Villalobos đã đặt tên Filipinas cho hai đảo Leyte và Samar, đây là hai tỉnh của Philippines hiện nay chứ không phải ban đầu nó đã có nghĩa là Philippines.

Lý do trước đây tên đất nước Philippines không có ‘s’? - Ảnh 1.

Những món ăn truyền thống của Philippines thường gắn liền với lễ kỷ niệm nào đó

NYTimes

Về sau quần đảo Philippines còn được gọi bằng nhiều cái tên khác, ví dụ như Islas del Poniente (Quần đảo phương Tây), Nueva Castilla và Quần đảo San Lázaro. Cuối cùng, cái tên Las Islas Filipinas được dùng để chỉ toàn bộ quần đảo này.

Đến giai đoạn Cách mạng Philippine (1896–1898), Hội nghị Malolos công bố việc thành lập nước República Filipina (Cộng hòa Philippine). Từ giai đoạn chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ (1898) và chiến tranh Philippine – Mỹ (1899–1902) cho tới giai đoạn Commonwealth (1935-1946), chính quyền thực dân Mỹ gọi đất nước này là Quần đảo Philippine (không có "s"). Đây là cái tên do người Mỹ dịch từ tên Las Islas Filipinas (tiếng Tây Ban Nha) chứ không phải người Pháp.

Dần dà về sau, trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng, bắt đầu xuất hiện cái tên Philippines rồi trở thành tên phổ biến của xứ sở này. Đến khi độc lập vào ngày 4.7.1946, đất nước này có tên chính thức là Cộng Hòa Philippines (tiếng Filipino: Republika ng Pilipinas).

Người dân Philippines sử dụng ngôn ngữ gì?

Lý do trước đây tên đất nước Philippines không có ‘s’? - Ảnh 2.

Tàu thuyền và phà là hai hình thức chính có thể đi lại giữa các hòn đảo ở Philippines

@shutterstock

Có nhà nghiên cứu cho rằng người dân Philippines sử dụng tiếng Tagalog. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì ở Philippines người ta sử dụng trên 170 ngôn ngữ, hầu hết thuộc nhánh phía Tây của nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian, thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Năm 1987 Hiến pháp Philippines quy định ngôn ngữ chính thức là tiếng Filipino và tiếng Anh.

Trên thực tế, có 12 ngôn ngữ khác cũng khá phổ biến, đó là "Tagalog, Cebuano, Ilokano, Hiligaynon, Waray-Waray, Bikol, Kapampangan, Pangasinan, Kinaray-a, Maranao, Maguindanao và Tausug", phổ biến nhất là tiếng Tagalog. Filipino là một ngôn ngữ dựa theo tiếng Tagalog, được xem là tiếng mẹ đẻ của một phần ba dân số Philippines, song gần đây hầu như toàn bộ dân Philippines cũng có thể sử dụng ngôn ngữ này.

Tên họ của người Philippines có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha?

Một trong những di sản Tây Ban Nha dễ thấy nhất là sự phổ biến tên và họ của người Philippines theo tiếng Tây Ban Nha. Tên của nhiều địa điểm cũng là tiếng Tây Ban Nha hoặc có nguồn gốc Tây Ban Nha. Phổ biến đến nỗi Toàn quyền Narciso Clavería y Zaldua ra lệnh phân bổ có hệ thống các họ và thực hiện danh pháp Tây Ban Nha đối với dân số.

Tuy nhiên, tên và họ theo tiếng Tây Ban Nha không có nghĩa người Philippines có tổ tiên là người Tây Ban Nha. Chẳng qua là do lịch sử, đến năm 1973, tiếng Tây Ban Nha không còn được coi là ngôn ngữ chính thức ở Philippines. Trong những thập niên gần đây, người dân Philippines không còn sử dụng tiếng này trong cuộc sống hằng ngày.

Lý do trước đây tên đất nước Philippines không có ‘s’? - Ảnh 3.

Một cửa hàng bánh Goldilocks ở Philippines

Wikipedia

Nước Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đối với văn hóa Philippines hiện đại. Việc sử dụng phổ biến tiếng Anh là một ví dụ về tác động của Mỹ đối với xã hội Philippines, điển hình là các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh địa phương như Goldilocks và Red Ribbon Bakeshop.

Quần đảo Philippines có sự đa dạng văn hóa, một phần do vị trí địa lý bị chia cắt của đất nước. Những nền văn hóa ở Mindanao và quần đảo Sulu phát triển đặc biệt một cách khác biệt, có ảnh hưởng đôi chút của Tây Ban Nha song chịu tác động lớn hơn từ các khu vực Hồi giáo lân cận. Mặc dù vậy, đến thế kỷ 19 thì Philippines, đã hình thành một bản sắc dân tộc rõ nét hơn, thể hiện bằng các biểu tượng quốc gia cũng như các tiêu chuẩn văn hóa và lịch sử khác.

Các lễ hội trên toàn quốc của Philippines chủ yếu dựa trên tôn giáo. Hầu hết các thị trấn và làng mạc tổ chức lễ hội của riêng họ, thường là để tôn vinh một vị thánh bảo trợ, trong đó có những lễ hội rất nổi tiếng là Ati-Atihan, Dinagyang, Moriones và Sinulog.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.