Lý do vận động thành lập Hội nghiên cứu Phan Bội Châu của GS triết học Đức

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
27/09/2023 18:00 GMT+7

GS-TS triết học Thái Kim Lan (CHLB Đức) cho biết lý do vì sao bà tham gia Ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế.


Ngày 27.9, tại không gian Điểm hẹn liên văn hóa Lan Viên Cố Tích 2 (số 94-98 Bạch Đằng, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013), Ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế tổ chức họp để chuẩn bị ra mắt và giới thiệu các hoạt động của hội. 

GS-TS Thái Kim Lan, tiến sĩ triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, Munich (CHLB Đức), chủ nhân Bảo tàng tư nhân Gốm cổ sông Hương - Lan Viên Cố Tích, đã chia sẻ lý do bà tích cực tham gia Ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế.

GS triết học Đức nói lý do vận động thành lập Hội nghiên cứu Phan Bội Châu - Ảnh 1.

GS Nguyễn Khắc Mai phát biểu tại buổi họp

BÙI NGỌC LONG

Tham gia buổi họp có đầy đủ các thành viên Ban vận động, gồm: GS-TS Thái Kim Lan, bà Ngô Thị Bích Hạnh (Giám đốc Công ty Đầu tư công nghệ cao Nigita, Nhật Bản), BS Phan Thiệu Cát (cháu nội cụ Phan Bội Châu), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, TS Phan Tiến Dũng, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, TS Nguyễn Anh Dân (khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế) cùng đông đảo các nhân sĩ, trí thức tại TP.Huế.

Ngoài ra, có các khách mời gồm GS Nguyễn Khắc Mai, GS Hà Tôn Vinh, GS Ueno Tomio (nguyên GS Đại học Waseda, Nhật Bản); đại diện các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên – Huế...

GS triết học Đức nói lý do vận động thành lập Hội nghiên cứu Phan Bội Châu - Ảnh 2.

GS Ueno Tomio chia sẻ tình yêu với đất nước Việt Nam

BÙI NGỌC LONG

Tại buổi họp, GS Nguyễn Khắc Mai cho rằng việc thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế nhằm tạo ra không gian khoa học, cơ hội để nghiên cứu về quá trình hoạt động, tư tưởng của cụ Phan Bội Châu, về phong trào Đông du. Đồng thời, nghiên cứu sâu sắc bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế cũng góp phần khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

BS Phan Thiệu Cát (cháu nội cụ Phan Bội Châu) lần đầu tiên tiết lộ nhiều chi tiết về gia đình, như việc cụ Phan Bội Châu ly hôn với 2 người vợ, cắt đứt liên hệ gia đình để hoạt động; hay về tư tưởng triết học qua tư liệu bộ sách Chu Dịch của cụ Phan Bội Châu mà ông may mắn kịp lưu giữ, đưa đi in ở nhà sách Khai Trí lần đầu tiên… 

Theo ông Phan Thiệu Cát, vẫn còn quá nhiều điều lớn lao về cụ Phan Bội Châu mà bản thân ông đến nay vẫn không hiểu thấu, cần sớm nghiên cứu, giải mã thêm...

GS Ueno Tomio (nguyên GS Đại học Waseda, Nhật Bản), người có hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam và nghiên cứu bảo tồn di tích tại cố đô Huế, cũng chia sẻ tình cảm đối với Việt Nam, đóng góp nhiều ý kiến về mối quan hệ Việt – Nhật, về những điểm tương đồng thú vị giữa 2 dân tộc mà cụ Phan Bội Châu là một trong những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị hôm nay.

GS triết học Đức nói lý do vận động thành lập Hội nghiên cứu Phan Bội Châu - Ảnh 3.

GS-TS Thái Kim Lan (đứng) chia sẻ lý do tham gia Ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế

BÙI NGỌC LONG

GS-TS Thái Kim Lan cho biết, mặc dù là một tiến sĩ triết học tại Đức, nhưng khi được mời làm thành viên Ban vận động, bà nhận lời và nhiệt tình ủng hộ, làm cầu nối... bởi từ thời còn là học sinh, sinh viên thì cụ Phan Bội Châu là người bà luôn ngưỡng mộ. Tư tưởng cụ Phan và phong trào Đông du đã có tác động rất lớn đến bà.

"Việc thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế là tiền đề để tiến tới xây dựng Viện Phan Bội Châu tại Huế, nhằm tập hợp những người có tâm huyết để nghiên cứu khoa học về cụ Phan, nghiên cứu về mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản để góp phần khơi dậy trong giới trẻ tinh thần tự tôn dân tộc. Qua đó, đóng góp, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển tại Đông Nam Á như nước bạn Nhật Bản đã làm", GS Thái Kim Lan nói.

Tại buổi họp, các nhân sĩ, trí thức tại Huế và trong nước cũng trao đổi về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc thành lập Hội Nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật, Phan Bội Châu tại Huế; đồng thời đóng góp nhiều ý tưởng để xây dựng, tổ chức hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.