Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Cặp kèn đá 1.000 năm

24/12/2009 00:07 GMT+7

Năm 1994-1995, việc phát hiện cặp kèn đá (tù và) hình hai con cóc tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã làm chấn động giới khảo cổ học. Đây là báu vật vô giá bởi sự độc đáo và là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta. Nghe đọc bài

Cặp “cóc kêu” này đang nằm trong một kho chứa trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), bởi cơ sở trưng bày của Bảo tàng tỉnh Phú Yên phải đến năm 2011 mới xây xong. Đây là một trong những hiện vật đã được tỉnh hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, hướng dẫn chúng tôi tiếp cận hiện vật và cung cấp những chi tiết chính về cặp kèn đá hình hai con cóc, một lớn (cái) một nhỏ (đực). Kèn “cái” nặng 75 kg, kích thước đáy 40 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 55 cm, lỗ thổi rộng 2,5 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thoát hơi (có chiều hơi cong) dài 29,6 cm có một lỗ xoáy sâu vào trong 11,7 cm, miệng lỗ rộng 33 cm. Kèn “đực” nặng 34,5 kg, kích thước đáy 29 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 52 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thông hơi dài 29,5 cm, lỗ thổi rộng 1,8 cm, chỗ thoát hơi mở rộng thêm 6,7 cm; một bên có lỗ xoáy sâu 8,7 cm.

Bà Hoa chỉ cho chúng tôi xem những nhát ghè đẽo nhỏ ở phần lỗ thổi, điều này để tiện lợi hơn khi đưa miệng vào thổi; còn phần đế có những nhát ghè đẽo lớn, tạo một độ phẳng để khi thổi không bị rung; còn các lỗ xoáy sâu là nơi đặt ngón tay cái vào để tì trong khi thổi.

Theo nhận định của Viện Bảo tàng lịch sử VN, đây là hai hiện vật được chế tạo từ đá bazan và có nhiều khả năng đó là sản phẩm của người Chăm, có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Cặp kèn đá này có thể hòa tấu rất tốt với các nhạc khí hiện đại.

“Cái, đực” trùng phùng

Bà Hoa kể: cuối năm 1993, nhiều người dân Phú Yên lan truyền tin đồn có một vật lạ bằng đá “khi thổi phát ra âm thanh rất hay” đang lưu giữ tại nhà ông Đỗ Phán tại xã An Mỹ, huyện Tuy An. Sau khi các cơ quan chức năng tiếp cận mới biết được rằng không biết bằng cách nào ông mua được hiện vật này từ người dân ở gần khu vực chùa Hố Thị (người dân đã tìm thấy trong lúc đào móng xây lại chùa). Lúc này, vì gia cảnh túng thiếu, ông Đỗ Phán đã dự định bán cho giới sưu tập đồ cổ. Ngành văn hóa Phú Yên khi ấy đã làm đủ mọi cách để thuyết phục ông Phán bàn giao cho Nhà nước nghiên cứu, lưu giữ; và sang đến đầu năm 1994, chiếc kèn đá mới chính thức “đỗ bến” Bảo tàng Phú Yên. Đó chính là chiếc kèn “cái” hiện nay...

Chúng tôi tìm về chùa Thiền Sơn (xã An Hiệp, huyện Tuy An) để nối tiếp câu chuyện về chiếc kèn “cái”. Quá lâu rồi nhưng ấn tượng về những ngày “hội ngộ và chia tay” cặp kèn đá vẫn còn như in trong trí nhớ của thượng tọa Thích Nguyên Lai, trụ trì chùa Thiền Sơn. Ông là nhân chứng hiếm hoi còn lại của quá trình lưu giữ hai “cụ cóc” ngày nào. Chùa Thiền Sơn nằm cách TP Tuy Hòa hơn 20 km về phía bắc, nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau, cạnh quốc lộ 1A. Đây là nơi lưu giữ chiếc kèn “đực” suốt 30 năm, trước khi cả hai cùng hội ngộ tại Bảo tàng Phú Yên.

 
Tác giả bài viết bên hai chiếc kèn đá trong kho Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: Văn Tường

Theo thượng tọa, hai “cụ” đá này đều có nguồn gốc từ chùa Hố Thị (thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An) cách chùa Thiền Sơn khoảng 10 km về phía tây. Năm 1964, chùa Hố Thị bị cháy do chiến tranh, trụ trì chùa bấy giờ là hòa thượng Thích Tâm Thân (hiệu Từ Hạnh, viên tịch năm 1971, thọ 98 tuổi). Chùa cháy, các hiện vật đều bị thiêu rụi, chỉ hai chiếc kèn đá còn nguyên vẹn; hòa thượng đã đưa chiếc kèn đá nhỏ lên lưng ngựa để chuyển về chùa Thiền Sơn, còn chiếc kèn đá lớn vì quá nặng nên đành phải để lại Hố Thị...

Thượng tọa Thích Nguyên Lai nhắc lại lời của hòa thượng Thích Tâm Thân lúc sinh thời: “Các tượng phật bị cháy có thể đúc làm lại nhưng “Ốc hiệu” bị mất, bị vỡ thì làm sao có lại được. Khi nào có điều kiện, các đệ tử hãy đưa về đây để gìn giữ”. Thế nhưng rồi đường xá xa xôi, núi non cách trở nên vẫn chưa thực hiện được di nguyện; riêng “ốc đực” đã được các vị trụ trì chùa Thiền Sơn truyền nhau lưu giữ hết sức cẩn thận, được nhà chùa dùng để thổi những lúc hành lễ.

Bao giờ hai “cụ” có nhà...? 

Theo nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên, cặp kèn đá này là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, người thổi phải có làn hơi khỏe thì mới có thể chơi được, nhiều người đã thổi kèn trumpet nhưng qua kèn đá này cũng “bó tay”; thế nhưng cũng có người thuộc loại “thấp bé, nhẹ cân” nhưng có phương pháp nén hơi phù hợp thì vẫn có thể thổi kèn đá rất hay.

Chính nhạc sĩ Ngọc Quang và nhiều nghệ sĩ “thư sinh” ở Đoàn ca múa dân gian Sao Biển (Phú Yên) đã nhiều lần biểu diễn thành công trong và ngoài nước bằng nhạc cụ độc đáo này; ông cũng là người viết ca khúc Hồn đá khá thành công với cảm hứng từ cặp kèn đá này. Nhạc sĩ Ngọc Quang sôi nổi: “Những giai điệu trầm hồn, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “đặc sản” có một không hai trên thế giới. Và âm thanh của kèn “cái” luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn “đực”, thế nhưng khi cả hai cùng hòa tấu thì có một sự hòa quyện hết sức... hút hồn!”.

Trở lại câu chuyện hai “cụ cóc” phải cùng hàng loạt hiện vật của Bảo tàng Phú Yên hiện đang nằm la liệt trong một kho chứa, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: sau nhiều năm dự án xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Phú Yên “hẹn đi hẹn lại”, các thủ tục hiện đã cơ bản hoàn tất và chuẩn bị chính thức khởi công vào đầu năm 2010. Theo thiết kế, bảo tàng này sẽ xây dựng trong khuôn viên trên 3 ha tại khu vực đường Trần Phú, phường 5 (TP Tuy Hòa) với tổng kinh phí đầu tư trên 60 tỉ đồng, dự kiến hoàn công vào đầu năm 2011 để kịp phục vụ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011) và Năm du lịch quốc gia tại Phú Yên.

Hy vọng, cặp báu vật kèn đá sẽ có được “nơi chốn nương thân” tương xứng.

Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.