Ly kỳ chuyện mang họa vì 'nổ' có đồng đen giá trăm tỉ

19/04/2015 16:56 GMT+7

(TNO) Công an tỉnh Cà Mau vừa cất gọn mẻ lưới bắt nhóm đối tượng chuyên 'kinh doanh' đồng đen, thậm chí bắt người, ép bán đồng đen. Quanh vụ việc này còn có những chi tiết ly kỳ...

(TNO) Công an tỉnh Cà Mau vừa cất gọn mẻ lưới bắt nhóm đối tượng chuyên 'kinh doanh' đồng đen, thậm chí bắt người, ép bán đồng đen. Quanh vụ việc này còn có những chi tiết ly kỳ...

Ly kỳ chuyện “nổ” bán đồng đen
Chiếc xe ô tô nhóm người Phong thuê chở bà Ly lên xuống Cà Mau nhiều lần để "lấy hàng" - Ảnh: Gia Bách
Ngày 17.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị này vừa bắt 7 người liên quan để điều tra vụ án “bắt, giữ người trái pháp luật”. 
Theo chính quyền địa phương, gia cảnh bà Ly hết sức khó khăn, ít đất đai sản xuất, cả nhà sống nhờ vào đồng tiền làm thuê của người chồng và con trai. Tuy nhiên, bà Ly có tính tình thích khoe khoang, nên mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười như thế.
Bảy người bị bắt gồm: Phan Thanh Phong (55 tuổi); Nguyễn Hồng Nhung (36 tuổi, vợ Phong), thường trú ấp Long Thanh 1, H. Tân Châu, An Giang, Phan Văn Vĩnh (40 tuổi, em ruột Phong), ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu; Quách Vũ Phong (41 tuổi), ngụ khóm 3, P.5, TP.Cà Mau; Nguyễn Trung Dũng (53 tuổi) ngụ ấp Hòa Long 3, huyện Châu Thành, An Giang; Nguyễn Thanh Sang (35 tuổi); Dương Kim Thủy (44 tuổi, cùng ngụ xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, Đồng Tháp).
“Nổ” mình có cục đồng đen 100 tỉ
Theo cơ quan điều tra, khoảng cuối tháng 3, người nhà bà Trần Thị Ly (ngụ ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đến cơ quan công an trình báo việc bà Ly bị mất tích sau khi đi ra TP. Cà Mau. Từ thông tin người nhà cung cấp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành điều tra, truy tìm tung tích bà Ly.
Một chiếc lư đồng ở Quảng Ngãi từng được đồn thổi có giá hàng trăm tỉ đồng vì làm bằng chất liệu đồng đen - Ảnh: Phạm Anh
Theo hồ sơ điều tra, vào năm 2011, Phan Thanh Phong và bà Ly quen biết nhau. Trong những lần trao đổi qua lại, bà Ly “khoe” với Phong là mình có quen người tên Đẹp ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đang cất giữ cục đồng đen có trọng lượng 3,9 kg.
Bà Ly còn khoe rằng giữa mình và bà Đẹp rất thân với nhau, thường xuyên làm ăn qua lại, do đó bà Đẹp có nhờ bà làm trung gian tìm người bán cục đồng đen này với giá 100 tỉ đồng. Khi nghe bà Ly “nổ”, Phong tỏ ý muốn hỏi mua cục đồng đen “khủng” nói trên.
Phong không ngần ngại bỏ chi phí thuê ô tô nhiều lần từ An Giang xuống Cà Mau tìm bà Ly để bàn tính chuyện mua bán. Sau vài lần ngã giá, bà Ly nhất quyết giá của cục đồng đen phải là 100 tỉ đồng. Phong nhận lời mua. Hai bên giao kèo rằng, trong khoảng thời gian chờ Phong đến lấy “hàng”, bà Ly có trách nhiệm giữ cục đồng đen không được bán cho ai.
Sau khi giao kèo với bà Ly, Phong và đồng bọn ngược xuôi tìm “mối” bán lại cục đồng đen hứa mua của bà Ly với giá 200 tỉ đồng. Đến khi có người ở Sài Gòn đồng ý mua, Phong lại đến Cà Mau liên hệ với bà Ly yêu cầu bà này mang cục đồng đen ra bán, nhưng bà Ly không đồng ý bán cho chúng, vì trên thực tế bà Ly không có cục đồng đen như đã nói.
Liên tiếp sau đó Phong tìm mọi cách liên hệ với bà Ly, tuy nhiên đều bị bà Ly viện lý do khất lại. Về phần Phong, do chi phí đi lại nhiều lần mà không mua được cục đồng đen nên Phong và vợ bàn cách bắt giữ bà Ly để ép… bán cục đồng đen.
Một nhóm bị cáo ra tòa vì lừa bán cục chì giả thành đồng đen với giá 550 triệu đồng. Vụ án xảy ra tại tỉnh An Giang - Ảnh: Thanh Dũng
Bắt cóc “ép” bán đồng đen
Phong rủ thêm Sang, Thủy, Vĩnh, Vũ, Dũng tham gia cùng mình và hứa khi mua được cục đồng đen, bán lại sẽ chia tiền cho cả nhóm tiêu xài.
Đến ngày 21.3, cả nhóm đến Cà Mau và thuê nhà nghỉ, bàn ngày giờ bắt bà Ly. Ngày 22.3, Phong và Nguyễn Thanh Sang gặp bà Ly, hẹn bà Ly ngày 23.3 ra TP. Cà Mau. Sáng hôm sau, khi bà Ly ghé một quán cà phê thuộc phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau thì nhóm Phong bắt bà Ly,  khống chế rồi chở thẳng về An Giang và phân công nhau thay phiên canh giữ.
“Trong khoảng thời gian tôi bị giam giữ ở An Giang, họ thay nhau khủng bố tinh thần tôi. Có người còn hù tôi rằng nếu không đưa cục đồng đen sẽ giết chết, rồi đem xác qua Camphuchia bỏ cho bỏ ghét. Thú thật những ngày đó tôi rất sợ hãi”, bà Ly nhớ lại.
Sau khi bị hù giết chết, bà Ly nghĩ cách lừa Phong. Bà Ly kêu Phong chở về Cà Mau sẽ bán cho cục đồng đen, nên Phong tin lời, Phong nhiều lần chở bà Ly về Cà Mau nhưng không liên lạc được với người nhà bà Ly.
Đến ngày 30.3, Phong cho bà Ly gọi điện thoại về cho gia đình. Bà Ly nói với gia đình là cục đồng đen bà dưới nền gạch trong nhà, biết là bà Ly bị Phong bắt giữ nên người nhà bà Ly giả vờ hứa sẽ mang cục đồng đen ra TP. Cà Mau giao cho Phong, nhưng âm thầm báo công an.
Ngày 31.3, nhóm của Phong bị công an bắt giữ.
Theo chính quyền địa phương, gia cảnh bà Ly hết sức khó khăn, ít đất đai sản xuất, cả nhà sống nhờ vào đồng tiền làm thuê của người chồng và con trai. Tuy nhiên, bà Ly có tính tình thích khoe khoang, nên mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười như thế.
Đồng đen là gì?
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho biết ông cũng chỉ nghe nói về đồng đen và cho rằng đó là một từ dân dã, dùng để chỉ một loại kim loại do con người luyện nên.
Còn một chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ mỏ luyện kim, cho biết theo tài liệu nước ngoài, từ cổ xưa con người đã luyện ra đồng đen từ quặng. Đồng đen có màu đen, chứa nhiều kim loại quý (như vàng, bạc, thiếc...). Đồng đen quý là vì nó có chứa những kim loại quý. Sự huyền bí của đồng đen chủ yếu do con người đồn thổi nên. Chuyên gia này cho biết, đồng đen khi tách hết các tạp chất thì ra đồng đỏ đẹp. Đồng đen có nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận “chưa bao giờ thấy đồng đen” (Quang Duẩn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.