Ly kỳ chuyện mua bản quyền World Cup tại Việt Nam

29/07/2022 08:31 GMT+7

Câu chuyện bản quyền phát sóng World Cup 2022 đang rất nóng khi đối tác của FIFA phát giá quá cao so với sức chịu đựng của các đài hay nhà phân phối tại Việt Nam.

Sau mỗi kỳ World Cup, phí bản quyền này lại tăng chóng mặt.

Việt Nam phải mua bản quyền World Cup từ bao giờ ?

Chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia về bản quyền cho biết: “Người dân Việt Nam bắt đầu thực sự quan tâm đến World Cup từ 40 năm trước, nhưng cho đến những kỳ World Cup thập niên 1980 như World Cup 1982, 1986 hay World Cup 1990, khái niệm bản quyền vẫn còn khá xa lạ tại nước ta. Thời điểm đó, Đài truyền hình Việt Nam lấy sóng từ đài của Liên Xô và không phải chịu phí. Đến World Cup 1998 là giải đấu do Pháp đăng cai, mà Việt Nam lại nằm trong khối Cộng đồng Pháp ngữ nên không phải chi tiền mua bản quyền, chỉ phải trả 40.000 USD phí truyền dẫn vệ tinh.

VTV đã mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 với giá 12 triệu USD

AFP

Trong suốt khoảng vài chục năm đầu, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chưa coi World Cup như “con gà đẻ trứng vàng” nên phí bản quyền giải bóng đá lớn nhất hành tinh còn khá rẻ. FIFA muốn World Cup được phát rộng rãi trên toàn thế giới để tăng sự lan tỏa của bóng đá chứ chưa đặt nặng vấn đề kinh tế. Sau đó, FIFA bắt đầu chính thức đưa bản quyền phát sóng World Cup vào chiến lược kinh doanh trọng điểm của mình - cùng với bán vé và khai thác các thương quyền khác. Đến World Cup 2002, FIFA phát giá 2 triệu USD cho gói bản quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã mua với giá khoảng 1 triệu USD. Thời điểm đó, Việt Nam chưa tham gia các công ước bảo hộ bản quyền, đặc biệt là công ước Brussels - công ước của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình qua tín hiệu vệ tinh, nên việc mua bản quyền truyền hình khá thuận lợi. VTV không vấp phải sự cạnh tranh của bất kỳ đối thủ nào. Nhưng đầu năm 2006, khi công ước Brussels chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, bản quyền phát sóng các giải đấu lớn trên thế giới, trong đó có World Cup, bắt đầu trở thành những cuộc chạy đua quyết liệt giữa các đơn vị truyền hình ở Việt Nam”.

“Chiến thuật” bán hàng và nghệ thuật mặc cả

4 năm sau World Cup 2002, khi FPT tuyên bố đã mua được bản quyền truyền hình World Cup 2006, công luận và khán giả cực kỳ bất ngờ bởi không ai nghĩ VTV lại thua cuộc. Có một chi tiết đáng lưu ý là trong suốt quá trình thương thảo với các bên, đại lý của FIFA đã “chơi chiêu”: Đi với bên A thì nói không muốn bán cho đài truyền hình vì đài thường muốn độc quyền, không chia sẻ sóng nên World Cup sẽ bị thu hẹp tầm ảnh hưởng; nhưng khi đi với bên B lại nói ưu tiên số 1 là đài truyền hình. Cuối cùng là đại lý của FIFA bán cho bên nào trả giá cao hơn. Số tiền cụ thể không được công bố nhưng có thể FPT đã phải chi khoảng 2 triệu USD, cao hơn khoảng 700.000 USD so với giá mà VTV định trả cho đại lý FIFA. Năm 2006, cũng có một công ty lớn của nước ngoài vào Việt Nam để mua gói bản quyền này nhưng số tiền thấp hơn FPT. Không rõ sau khi giành chiến thắng và bán lại cho các đài truyền hình tại VN, FPT có lãi hay không, nhưng từ các kỳ World Cup sau, FPT không còn ở cuộc chơi mà mấy năm gần đây đơn vị này chuyển hướng sang mua bản quyền các giải khác, trong có có các giải mà tuyển Việt Nam thi đấu.

Đến World Cup 2010, VTV mua được bản quyền phát sóng với giá 2,7 triệu USD. Năm này, VTC cũng mua nhưng gói khác (FIFA chia nhiều gói khác nhau để phục vụ nhu cầu không giống nhau của mỗi loại đối tác) với giá khá rẻ. 4 năm sau, FIFA thay đổi “chiến thuật”, không xé lẻ các gói bản quyền mà bán trọn gói, đẩy giá bản quyền truyền hình World Cup lên rất cao. Trong cuộc đua khốc liệt với nhiều đối thủ, VTV là đơn vị trụ lại cuối cùng và trở thành chủ sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2014 trên toàn lãnh thổ Việt Nam với giá khoảng 7 triệu USD. Giá ban đầu mà đối tác đưa ra lên đến 14 triệu USD nhưng VTV đã “mặc cả” thành công và toàn bộ số tiền này VTV tự chi từ ngân sách của đài.

Đến World Cup 2018, cũng chỉ còn duy nhất VTV thực hiện các cuộc đàm phán với nhà phân phối của FIFA. Lần này giá được phát ra là 15 triệu USD. Cuộc thương thảo đã từng bị đóng băng vài lần và cuối cùng nhờ có doanh nghiệp hỗ trợ, VTV đã mua được với giá 12 triệu USD.

World Cup 2022, bản quyền chưa có hồi kết khi giá được “hét” 15 triệu USD và các đài vẫn đang đàm phán, nhưng “có thể chúng tôi sẽ bỏ cuộc nếu đối tác không giảm”, đại diện một đơn vị truyền thông nói.

Giá bao nhiêu thì vừa ?

Theo đánh giá của chuyên gia bản quyền, giá bản quyền phát sóng World Cup 2022 từ 5 - 8 triệu USD là phù hợp với quy mô thị trường cũng như tình hình kinh tế nói chung tại VN. Và quan trọng hơn cả là phù hợp với túi tiền của các đơn vị khi cùng nhau chung vốn.

Lan Phương

Giá bản quyền truyền hình các nước đã mua

4 năm trước, 9 doanh nghiệp của Thái Lan đã hùn được khoảng 44 triệu USD để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 và phát sóng miễn phí trên 2 kênh True Vision và Amarin TV. Cũng năm này, bản quyền giải đấu đã được 3 hãng viễn thông lớn của Singapore gồm Mediacorp, Singtel và StarHub mua với giá 18,8 triệu USD. Nhưng chỉ có 9 trận được phát miễn phí, nếu khán giả muốn xem trực tiếp toàn bộ 64 trận thì phải trả phí mua trọn gói trên các kênh trả tiền, khoảng 84 USD. Malaysia mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 với giá khoảng 10 triệu USD nhưng chỉ được phát sóng 41 trận, trong đó có 27 trận được phát sóng trực tiếp trên kênh quốc gia RTM.

Tại Trung Quốc, kênh CCTV cũng từng chi tới 155 triệu USD để giành quyền phát sóng trực tiếp World Cup 2018.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.