>> Ly kỳ hậu trường Tây Du Ký - Kỳ 3: Những sư phụ Đường Tăng
>> Ly kỳ hậu trường Tây Du Ký - Kỳ 2: Vai diễn để đời, cát sê bèo bọt
>> Ly kỳ hậu trường Tây Du Ký - Kỳ 1: Ngộ Không và Bát Giới: Huynh đệ tình thâm
|
“Diêm Hoài Lễ luôn là “sư đệ” tốt của tôi. Anh ấy làm việc chăm chỉ, cần cù, vì vai diễn Sa Tăng mà phải chịu không ít cơ cực trong quá trình đóng phim”, Lục Tiểu Linh Đồng bùi ngùi kể. Ông cho biết Diêm Hoài Lễ tuy là người kiệm lời, nhưng làm việc gì cũng đâu ra đó, cẩn thận chỉn chu tới mức khó chê. Để thể hiện sự vất vả cực nhọc trong quá trình gánh đồ lấy kinh, Diêm Hoài Lễ đã xin chất đá lên hai bên gánh đồ, mỗi bên 5 kg, tổng cộng cả gánh 10 kg, rất là mệt, đặc biệt khi quay những cảnh địa hình hiểm trở. “Anh ấy lúc nào cũng muốn đem lại cảm giác chân thực nhất cho khán giả, nên luôn tự mình diễn, tự thực hiện hết. Ngay cả đôi hoa tai kim loại mà anh ấy làm đạo cụ trong phim cũng là đồ thật, nặng tới mức đeo sệ cả tai, chảy cả máu. Cả đoàn phim đều can, khuyên anh ấy thay thế bằng đôi hoa tai giả cho nhẹ bớt, nhưng anh ấy không chịu”.
Sa Tăng lại “đi” trước
Nhớ lại về lần gặp gỡ cuối cùng của 4 thầy trò khi sức khỏe của Diêm Hoài Lễ đã suy sụp, “Tôn Ngộ Không” nói: “Khi chúng tôi vào bệnh viện thăm anh ấy, anh ấy vui lắm. Người anh ấy lúc đó tuy mệt nhưng vẫn ráng nói chuyện. Lúc không nói được nhiều thì cầm tay nhau lắc lắc, rất xúc động, ai nấy đều không nỡ rời xa. Bốn thầy trò còn chụp hình chung với nhau nữa. Tôi cũng dặn vợ anh ấy nếu có chuyện gì không ổn phải thông báo gấp cho chúng tôi để tới kịp. Tiếc là lúc anh ấy đau giữa đêm, linh cảm không qua khỏi, 2 giờ sáng anh ấy nói vợ gọi điện cho chúng tôi, cứ một mực đòi gặp mặt 4 thầy trò lần cuối nhưng vợ anh ấy sợ đêm khuya muộn làm ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng tôi nên không gọi điện tới ngay. Tới tận 10 giờ 20 ngày 12.4.2009, cái chết của nam diễn viên Diêm Hoài Lễ mới chính thức được công bố. Chúng tôi được thông báo trước lúc 7 giờ sáng nên hối hả tới ngay. Tôi, “sư phụ” Trì Trọng Thụy đã vội vã vào bệnh viện ngay nhưng anh ấy đã hôn mê sâu, không nhận biết được gì nữa, không ai kịp nghe lời trăng trối cuối cùng của anh ấy. Còn “sư đệ” Mã Đức Hoa do nhà xa, tới trễ đúng 5 phút nên không được nhìn thấy Sa Tăng lần cuối. Diêm Hoài Lễ đã ra đi, thọ 73 tuổi. “Lão Trư” cũng vì chuyện này mà khóc lóc thảm thiết, đã giận vợ anh ấy rất nhiều. Tôi thực sự rất đau lòng. Nghe vợ anh ấy kể, anh ấy cứ hỏi mãi trước khi mất rằng: “Sao các sư huynh mãi chưa tới?”, tôi lại rớt nước mắt, và thấy mình thật có lỗi khi không làm tròn phận sư huynh”.
Ông cũng cho biết thêm “lúc đó vợ anh ấy chỉ muốn tổ chức một tang lễ nhỏ với sự tham dự của người trong gia đình và bạn bè thân thiết. Nhưng do chúng tôi tác động, tha thiết khuyên gia đình nên tổ chức tang lễ của anh ấy thật long trọng, thật lớn, để hình ảnh Sa Tăng luôn sống mãi với bạn đọc, để các fan của anh ấy có dịp tiễn đưa anh ấy lần cuối, nên cuối cùng vào sáng 16.4.2009, tang lễ của Sa Tăng đã diễn ra trọng thể tại Bắc Kinh”.
Trớ trêu thay, ngày mất của Diêm Hoài Lễ cũng chính là ngày sinh nhật của Lục Tiểu Linh Đồng (12.4) nên mỗi năm vào ngày này, ông không muốn tổ chức sinh nhật, chỉ lặng lẽ tưởng nhớ “sư đệ mẫn cán”.
Lục Tiểu Linh Đồng cũng cho biết thêm, ngoài vai Sa Tăng đã thành danh, Diêm Hoài Lễ còn tham gia đóng thêm 9 vai diễn khác trong Tây du ký bản 1986 như Thái Thượng lão quân, Ngưu Ma Vương (tập 2), Tây Hải Long Vương (tập 5), Thiên lý nhãn (tập 1, 2, 3), Mã giám quân (tập 2), Thái thượng lão quân (tập 12); Quyển liêm đại tướng và những nhân vật quần chúng như hòa thượng, ông già... “Do hóa trang quá tốt, và diễn xuất xuất sắc, không ai nhận ra được hình ảnh Diêm Hoài Lễ trong các vai này nên khán giả không hay biết. Nhưng trên thực tế anh ấy đóng nhiều vai hơn chúng tôi”, ông nói.
Lục Tiểu Linh Đồng cho biết ông thực sự xúc động khi thấy người hâm mộ Việt Nam còn nhớ cả ngày sinh nhật của ông và đã chúc mừng sinh nhật ông sớm trong lễ ký tặng sách và giao lưu với bạn đọc Hà Nội vào sáng 6.4 tại FAHASA Xã Đàn. “Cô gái đó vừa lên xin chữ ký vừa nói lời chúc mừng sinh nhật tôi khiến tôi rất bất ngờ”, ông chia sẻ, “Tôi thực sự xúc động vì những tình cảm yêu quý của độc giả Việt Nam. Mong rằng tôi sớm quay trở lại Việt Nam để tham gia ký tặng các cuốn sách mới khác của tôi, cùng “sư phụ” hoặc “sư đệ” Bát Giới để họ hiểu được tấm chân tình cùng lòng yêu quý của khán giả, độc giả hâm mộ Việt dành cho bộ phim Tây du ký phiên bản 1986”.
Ngọc Bi
>> Hậu Tây du nhưng không phải Tây du ký
>> Chuyện thuyết minh phim "Tây du ký
>> Tân "Tây du ký" Bình mới có hấp dẫn?
Bình luận (0)