Ly kỳ vụ án 'xây nhà vệ sinh có phải cấp phép?'

01/06/2023 16:50 GMT+7

Bị cưỡng chế vì xây nhà vệ sinh không phép, người đàn ông khởi kiện chủ tịch UBND thành phố. Vụ án kéo dài nhiều năm, từ sơ thẩm, phúc thẩm, cấp cao rồi tối cao.

Viện KSND tối cao mới đây thông báo rút kinh nghiệm về một vụ án liên quan đến khiếu kiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; giữa người khởi kiện là ông D.H.C và người bị kiện là Chủ tịch UBND thành phố PT, tỉnh BT (thông tin cá nhân, cơ quan đã được mã hóa).

Ly kỳ vụ án 'xây nhà vệ sinh có phải cấp phép?' - Ảnh 1.

Vụ kiện liên quan đến việc xây dựng nhà vệ sinh kéo dài suốt nhiều năm (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Xây nhà vệ sinh có cần xin cấp phép?

Theo nội dung vụ kiện, cha mẹ ông C. để lại 3 thửa đất số 69, 71 và 72. Trong đó, ông C. đã được cấp sổ đỏ đối với thửa số 69, em ông C. được cấp sổ đỏ thửa số 72, riêng thửa số 71 chưa được cấp sổ (đứng tên mẹ ông C., hiện đã chết).

Năm 2000, em ông C. chuyển nhượng thửa đất số 72 cho ông N.V.H bằng giấy viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương.

Năm 2002, ông H. xây khách sạn trên thửa đất số 72 rồi cho thuê. Cùng thời điểm, ông C. xây dựng nhà vệ sinh (diện tích 4,18m2) không có giấy phép xây dựng trên một phần ngõ đi chung giữa thửa đất số 71 và 72.

Năm 2005, khi ông C. đăng ký kê khai cả phần đất hẻm xây dựng nhà vệ sinh, ông H. có đơn khiếu nại, yêu cầu ông C. tháo dỡ nhà vệ sinh xây dựng trên lối đi chung. Chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải từ năm 2005 - 2010 nhưng không thành.

Tháng 7.2011, Đội Thanh tra xây dựng thành phố PT lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với ông C., vì nhà vệ sinh nằm ngoài giấy chứng nhận, diện tích xây dựng 4,18m2 không phép.

Tuy nhiên, do hành vi diễn ra từ năm 2002, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết, Chủ tịch UBND thành phố PT lần lượt ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Không đồng tình, ông C. khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy quyết định của Chủ tịch UBND thành phố PT. Lý do: thửa đất số 71 chưa được cấp sổ đỏ nhưng vẫn đủ điều kiện để được cấp, nhà vệ sinh được xây riêng, không chung với căn nhà của ông C. và không có văn bản nào của nhà nước quy định nhà vệ sinh phải xin cấp giấy phép xây dựng.

Ông C. còn cho rằng UBND thành phố PT xác định nhà vệ sinh của gia đình ông xây dựng trên lối đi chung là không đúng, vì phần đất này là của gia tộc giao cho ông sử dụng từ trước đến nay.

Tháng 6.2017, TAND thành phố PT xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C., tuyên hủy quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND thành phố PT.

Ông N.V.H (người khiếu nại) kháng cáo. Đến tháng 9.2017, TAND tỉnh BT xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của ông H., giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thành phố PT.

Hai tháng sau, ông H. có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tháng 5.2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố H ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh BT.

Tháng 11.2018, tại phiên giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố H không chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố H, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh BT.

Ly kỳ vụ án 'xây nhà vệ sinh có phải cấp phép?' - Ảnh 2.

Vụ án được Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chấp nhận

TUYẾN PHAN

Vụ án nhỏ nhưng qua nhiều cấp tòa vẫn chưa xong

Vụ việc chưa dừng lại, Viện KSND cấp cao tại thành phố H tiếp tục có thông báo gửi Viện KSND tối cao, đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố H.

Tháng 11.2021, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố H.

Đến tháng 4.2022, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố H, đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao tại thành phố H xét xử phúc thẩm lại.

Thông qua vụ kiện trên, Viện KSND tối cao cho rằng việc Chủ tịch UBND thành phố PT ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông D.H.C là đúng theo quy định tại Nghị định 23/2009 và Nghị định 180/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Theo Viện KSND tối cao, hành vi xây dựng công trình không phép của ông C. vi phạm quy định Thông tư liên tịch 09/1999 của Bộ Xây dựng - Tổng cục Địa chính hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng và Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999.

Việc ông C. xây dựng trên đất là lối đi chung hay lối đi riêng của gia đình ông không làm thay đổi bản chất của hành vi vi phạm (xây dựng không phép). Các căn cứ pháp luật mà Chủ tịch UBND thành phố PT áp dụng đều liên quan đến hành vi xây dựng không phép, không có căn cứ nào liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đất đai hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Do đó, việc tranh chấp lối đi (nếu có) phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục và căn cứ pháp luật khác.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa sơ thẩm và phúc thẩm mới chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và lời khai do phía ông C. cung cấp đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, với lý do ông không xây dựng nhà vệ sinh trên lối đi chung mà xây dựng trên thửa đất số 71 của cha mẹ để lại.

Riêng tòa phúc thẩm còn căn cứ Thông tư số 02/2014 của Bộ Xây dựng để cho rằng nhà vệ sinh của ông C. dù xây dựng không phép nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng.

Viện KSND tối cao khẳng định, chưa có cơ sở nào để xác định phần ngõ đi là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông C., việc xây dựng nhà vệ sinh trên ngõ đi đã dẫn đến tranh chấp từ năm 2005, chính quyền địa phương đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng đến năm 2010 vẫn không thành.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 1.6

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.