Vụ tỏi đông xuân 2018 - 2019, gia đình ông Võ Xuân Sang (ở thôn Đông, xã An Vĩnh) trồng 5 sào tỏi. Với diện tích này ở những vụ trước, ông Sang thu hoạch được 2,3 tấn tỏi tươi nhưng năm nay do mất mùa giảm chỉ còn 1,5 tấn. “Dù mất mùa nhưng gia đình tôi còn may mắn có tỏi thu hoạch để bán thu hồi vốn đầu tư và có ít thu nhập, chứ nhiều hộ trồng tỏi trên đảo còn thê thảm hơn”, ông Sang chia sẻ.
Đúng như lời ông Sang, suốt nhiều giờ đi trên những cánh đồng trồng tỏi của đất đảo, PV Thanh Niên bắt gặp khuôn mặt buồn rười rượi của những người nông dân ngày đêm “một nắng hai sương” với cây tỏi nhưng rốt cuộc lại trắng tay, nợ nần.
tin liên quan
'Giải cứu niềm tin' cho tỏi Lý SơnThiệt hại trăm tỉ đồng
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân 2018 - 2019, hơn 4.000 hộ nông dân trong huyện sản xuất 327 ha tỏi. “Do thời điểm tỏi tạo củ gặp thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài cộng với sâu bệnh là nguyên nhân dẫn đến mất mùa tỏi, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng khiến nông dân đối mặt khốn khó”, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, qua đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp huyện, tổng sản lượng tỏi vụ đông xuân 2018 - 2019 chỉ đạt khoảng 2.500 tấn tỏi tươi, giảm gần một nửa so với vụ tỏi năm trước. Không chỉ mất mùa mà giá tỏi Lý Sơn lại xuống thấp, chỉ còn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg tỏi tươi và tỏi khô là 80.000 đồng/kg, trong khi đó vào thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017 giá tỏi Lý Sơn ở mức 150.000 - 180.000 đồng/kg tỏi khô. “Đã mất mùa nặng, giá lại hạ nên tính ra vụ này nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn mất cả trăm tỉ đồng”, bà Hương nhẩm tính và cho biết thêm huyện đã chỉ đạo ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã rà soát cụ thể mức độ thiệt hại, nhất là số diện tích tỏi bị mất trắng, để có hướng hỗ trợ cho hộ nông dân có điều kiện tái sản xuất.
Tìm giải pháp căn cơ cho cây tỏi
Cũng theo bà Phạm Thị Hương, tỏi là cây trồng chủ lực tạo nguồn thu nhập chính cho nông dân huyện đảo Lý Sơn, với mỗi năm thu về không dưới 200 tỉ đồng. Nhờ đó, nhiều nông dân ở đất đảo có cuộc sống đủ đầy từ cây tỏi. Tuy nhiên, việc thương hiệu tỏi Lý Sơn bị “bôi bẩn”, bị người tiêu dùng quay lưng, đặc sản tỏi Lý Sơn bị “mất điểm” trong con mắt du khách ngay tại đất đảo, đã khiến tỏi Lý Sơn không những liên tục rớt giá mà còn tồn đọng hàng trăm tấn vào thời điểm cuối năm 2018, buộc địa phương phải kêu gọi giải cứu.
“Giữ thương hiệu và nâng tầm giá trị cho cây tỏi Lý Sơn một cách bền vững là vấn đề mà chính quyền huyện đảo đặc biệt lưu tâm. Vì thế, thời gian qua, H.Lý Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và lấy mẫu đất phân tích, lập các thủ tục liên quan đến chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc tỏi Lý Sơn, dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn tất. Đây là giải pháp căn cơ để tỏi Lý Sơn có nguồn gốc rõ ràng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, bà Hương nói.
Bình luận (0)