Lý Sơn tình đất, tình người

16/06/2021 10:19 GMT+7

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mấy năm nay được ví như thiên đường giữa biển khơi.

Nơi đảo tỏi yên lành, ngoài thiên nhiên hùng vĩ với các miệng núi lửa in bóng hàng triệu năm, còn có tình người, tình đất xứ này. Cái tình ấy níu chân du khách và mời gọi khách về thăm.

Lưu luyến đảo Bé

Sau nhiều năm đi xa, gần đây tôi mới về đảo Lý Sơn, đi qua đảo Bé. Người đảo Bé vẫn chân chất như ngày nào. Tôi ngồi sau xe ôm của chị Phạm Thị Bình, đi một vòng quanh đảo Bé. "Bà con bây giờ sống nhờ du lịch, ít trồng tỏi rồi. Đời sống có khá hơn", chị Bình nói.
Trước đây, người đảo Bé trông chờ vào mùa hành tỏi và đi biển xa bờ. Giờ chỉ đến mùa biển động không có du khách mới quay qua hành tỏi. Mùa du lịch cả đảo làm dịch vụ: xe ôm, đưa khách lặn san hô, chèo thuyền thúng đưa khách ra bãi tắm, làm homestay… Dọc theo con đường men theo bờ biển, chị Bình chỉ cho xem các homestay xinh xắn, gần gũi thiên nhiên, không bê tông cốt thép.
Ở đảo Bé hiện có khoảng 10 khu homestay. Giá lưu trú từ 150.000 - 350.000 đồng/phòng/đêm. Những người làm homestay ở đảo Bé phần lớn là những nông dân quanh năm trồng hành, tỏi. Việc mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn đã giúp người dân đất đảo có thêm nguồn thu nhập, đồng thời tạo thêm nét độc đáo cho du lịch Lý Sơn. Những tháng ngày bị dịch Covid-19, Lý Sơn và đảo Bé ít du khách hơn, nhưng như Tết 2021 và Lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, đảo Lý Sơn không còn chỗ trú.
Bãi tắm trên đảo Bé

Bãi tắm trên đảo Bé

VĂN LỰC

Lý Sơn - điểm đến của tương lai

Nếu Quảng Ngãi không có Lý Sơn, xem như không có điểm đến trên bản đồ du lịch của miền Trung. Người dân đất này theo năm tháng rồi cũng nhạy bén hơn với việc mưu sinh về du lịch. Và dù có làm du lịch, sự chân chất, thật thà của người xứ đảo vẫn còn nguyên vẹn bao đời. Khách đến trải nghiệm, không chỉ bị Lý Sơn mê hoặc bởi vách hang Câu, miệng giếng Tiền, núi Thới Lới… mà chính là yêu mến sự cởi mở chân thành của người dân đảo.
Tiếng lành đồn xa, Lý Sơn ngày càng kéo du khách về phía mình. Dù còn khiêm tốn lắm, nhưng khách tìm về đất đảo mỗi năm nhiều thêm: năm 2016, đảo đón 165.000 du khách. Năm 2017 khách tăng lên hơn 206.000 lượt. Năm 2018, Lý Sơn đón 230.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 276 tỉ đồng. Năm 2019 là 265.000 lượt khách, doanh thu 317 tỉ đồng và năm 2020 đạt 290.000 lượt người, tăng 3 lần so với năm 2015.
Chính quyền H.Lý Sơn ngay từ năm 2015 đã xem du lịch là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển hơn 130 cơ sở lưu trú gồm 8 khách sạn, 56 nhà nghỉ, 60 homestay, với trên 1.000 phòng nghỉ. Huyện đảo đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh.
Giàu tiềm năng du lịch nhưng vì sao Lý Sơn vẫn được xem là đảo nghèo? Ai từng đến Lý Sơn, phải trải qua chặng đường hết đường bộ rồi lên tàu thủy mới cảm nhận được sự gian nan. Nếu vào mùa biển động, Lý Sơn bị cô lập hẳn với đất liền.
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất xây dựng sân bay Lý Sơn để phát triển du lịch, đã xảy ra nhiều tranh luận: có nên chăng? Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, du lịch đảo Lý Sơn chưa tương xứng với tiềm năng chính là sự bất tiện về phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hạ tầng hạn chế đã khiến cho Lý Sơn và Quảng Ngãi khó thu hút được các nhà đầu tư lớn. Nếu không có giải pháp mang tính đột phá, phát triển hạ tầng giao thông, thì du lịch Lý Sơn nói riêng khó có thể bứt tốc, trở thành mũi nhọn kinh tế. Bên cạnh đó, do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên du lịch Lý Sơn hiện nay cũng chỉ khai thác một mùa vào dịp hè, thời gian khai thác ngắn. "Chúng tôi kỳ vọng khi xây dựng sân bay tại Lý Sơn, du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm quanh năm", ông Minh cho biết.
Du khách ngắm hoàng hôn trên đảo Lý Sơn

Du khách ngắm hoàng hôn trên đảo Lý Sơn

VĂN LỰC

Theo UBND H.Lý Sơn, phấn đấu đến năm 2025, lĩnh vực du lịch của huyện đảo có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung - Tây nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn cho biết: “Mục tiêu của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển kinh tế biển và du lịch. Chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Về du lịch, phấn đấu trong nhiệm kỳ đạt trên 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế”.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: "Chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích kỹ tính khả thi, hiệu quả cũng như tác động của sân bay quốc tế đối với Lý Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Trên thế giới, có rất nhiều sân bay quốc tế được xây dựng trên các hòn đảo diện tích nhỏ và đã sớm trở thành cây cầu nối cho các đảo này vươn ra thế giới, sớm đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. Chẳng hạn đảo du lịch Maldives nổi tiếng ở Ấn Độ Dương gồm 1.200 hòn đảo lớn nhỏ với các sân bay nằm rải rác, gồm 4 sân bay quốc tế và 86 sân bay nội địa trải dài. Trong đó, sân bay quốc tế Velana nằm ở đảo Hulhule rộng chỉ 3 km², là sân bay bận rộn nhất ở Maldives. Hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều được kết nối với sân bay này. Đảo Saba (thuộc vùng biển Caribe) có diện tích rộng 13 km² và sở hữu 1 sân bay. Bora Bora, hòn đảo thuộc Pháp được mệnh danh đẹp nhất hành tinh, với diện tích 24 km² cũng sở hữu riêng sân bay quốc tế. Hay đảo quốc nhỏ nhất thế giới Nauru (thuộc tây nam Thái Bình Dương) cũng kết nối với thế giới qua một sân bay quốc tế…".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.