Lý tưởng của nghề báo

21/06/2009 00:03 GMT+7

Trong một dịp đi giao lưu văn học tại Jeju - Hàn Quốc, chị Ku Su Jeong - nhà báo Hàn Quốc và là tiến sĩ sử học Việt Nam - kể cho tôi nghe lý do vì sao chị thành nhà báo. Đó là những tháng ngày của Vụ Đại học Quang-Du, dưới chính thể của nhà độc tài Chun Doo-whan, khi ấy chị Ku Su Jeong còn nhỏ, mới học tiểu học.

Một buổi sáng, như thường lệ chị ra cửa lấy báo (nhà đặt mua) vào cho bố đọc, Ku Su Jeong đã thảng thốt khi nhìn vào những trang báo: toàn một màu giấy trắng. Chị chạy vào kêu với bố: bố ơi, sao báo hôm nay không có chữ? Bố chị lặng nhìn, rồi thong thả giải thích: vì các báo không được phép đăng những bài viết về vụ đàn áp đẫm máu tại Đại học Quang-Du, nên họ đồng loạt để giấy trắng. Đó cũng là một cách làm báo đấy con ạ! Chị Ku Su Jeong nói với tôi: “Nghe bố giải thích, tự nhiên tôi buột nói: sau này lớn lên, con muốn trở thành nhà báo”.

Đúng là sau này chị Ku Su Jeong đã trở thành nhà báo, và loạt bài báo khiến tên tuổi chị được biết đến rất nhiều ở Hàn Quốc và sau này ở Việt Nam là loạt bài phóng sự điều tra đăng trên tờ Hàn Quốc thế kỷ 21 về những tội ác của lính Nam Triều Tiên gây ra ở miền Trung nước ta trong chiến tranh Việt Nam. Chị Ku Su Jeong đã quyết thành nhà báo ngay khi chị còn học tiểu học, vì một lẽ giản dị: chị muốn mình là người sống có lý tưởng. Lý tưởng vì nhân dân, vì đất nước mình. Xa hơn nữa là lý tưởng vì hòa bình và tình hữu nghị. Chính từ đó, chị trở thành người bạn của Việt Nam, và chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

 Để thành nhà báo, đúng là cần rất nhiều điều kiện, nhưng theo tôi, điều kiện đầu tiên là cần có lý tưởng. Nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhọc nhằn, nhưng vì sao có rất nhiều người mê nghề này, có lẽ, chính vì sự cuốn hút của lý tưởng nghề báo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những nhà báo Việt Nam ra chiến trường vì lý tưởng và nhiều người đã hy sinh cho lý tưởng ngay tại chiến trường. Đó là điều rõ ràng. Nhưng trong hòa bình, ngay vào lúc đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, khi có rất nhiều sự cuốn hút khác, vẫn còn rất nhiều nhà báo thành tâm tin rằng mình đang hành nghề vì một lý tưởng cao đẹp.

Mỗi thời làm báo đều có những cái khó khác nhau, đều có những thách thức khác nhau, và đã là nhà báo, thì đều phải chấp nhận những hy sinh khác nhau. Những hy sinh của nghề báo trong thời bình thường thầm lặng, vì người đọc chỉ đọc hoặc xem hoặc nghe những bài báo in báo hình báo nói khi chúng đã hiện diện, chứ ít ai biết quá trình tác nghiệp của nhà báo để có được những bài báo ấy. Và phần “hậu sự” của những bài báo, tác động xã hội của chúng, những hệ lụy mà có thể chúng mang đến cho nhà báo, cũng ít được biết đến.

Làm báo là phải chấp nhận những “rủi ro nghề nghiệp”, và một khi báo chí càng phát triển thì những rủi ro nghề nghiệp lại càng đa dạng. Nhưng với những nhà báo đã nguyện hiến dâng mình cho nghề báo, để bằng những cách nào đó mà sự thật được phát lộ, mà nhân dân được nói lên, mà lẽ công bằng được thiết lập, thì việc chấp nhận những thách thức chính là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Ngày nhà báo Cách mạng Việt Nam 21.6 hằng năm luôn nhắc nhở các nhà báo Việt Nam về tính cách mạng trong nghề báo. Tính cách mạng ấy đòi hỏi sự xả thân, cả sự hy sinh, và như thế, là làm chói sáng lên tính lý tưởng của nghề báo.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.