|
Chị là Trần Thị Hiền (37 tuổi, làm nghề thợ may) sống ở làng Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Chị là đứa con duy nhất của bà Trần Thị Thỏn và ông T.H.T (cùng trú địa phương). Hơn 5 năm nay do nghĩa tình chồng vợ đã cạn nên bà Thỏn dọn ra ở với vợ chồng chị Hiền. Cuối tháng 1.2012, bà Thỏn qua đời ở tuổi 74, chị Hiền tất tả sang báo với bên nội (gia đình ông T.) đề đạt nguyện vọng của bà Thỏn lúc lâm chung là được chôn ở phần đất mồ mả của nhà ông T. Tuy nhiên phía ông T. không đồng ý và gạt luôn việc cùng góp tay vào tổ chức tang lễ (thậm chí ông T. cũng không đến dự lễ tang bà Thỏn). Chưa hết, chính quyền thôn Thượng Trạch cũng ra “tối hậu thư” là sẽ đứng ngoài lễ tang vì cho rằng nhà chị Hiền báo tang muộn (bà Thỏn chết 9 giờ sáng nhưng đến chiều mới báo) và việc chị Hiền đứng ra tổ chức lễ tang cho mẹ là…trái với truyền thống. “Họ nói rằng tôi là con gái trong khi cha tôi đang còn sống nên phải do cha tôi lo tang, phần nữa mẹ chồng của tôi chưa chết nên không thể làm tang mẹ đẻ ngay trong nhà của vợ chồng tôi”- chị Hiền rấm rức kể.
Việc không thể chậm trễ nên chị Hiền cùng chồng đã quyết định tự lo đám tang của mẹ được êm thấm, dù đó là đám tang chẳng mấy ai trong làng “dám” lui tới…
Trong một diễn biến khác, trước ngày bà Thỏn mất ít hôm chị Hiền có mâu thuẫn với bà L. (người cùng thôn), chị Hiền có tát bà L. một cái nhưng ngay hôm sau bà L. cùng nhiều người kéo ra đánh chị Hiền ngay tại chợ Cạn. Công an xã Triệu Sơn đã lập biên bản vụ việc chuyển công an huyện Triệu Phong và cơ quan điều tra nhận định chị Hiền là người bị hại, tổn thương sức khỏe 4%. Tiếp đó, chị Hiền khởi kiện và ngày 17.7 TAND H.Triệu Phong tuyên bà L. phải bồi thường cho chị Hiền tổng cộng hơn 5 triệu đồng là tiền điều trị, chụp phim não, tổn thất tinh thần…
Gom 2 câu chuyện này lại, ngày 14.8, thôn Thượng Trạch đã mở phiên họp để đánh giá tình hình an ninh trật tự của thôn. Dưới sự chủ tọa của ông Trần Công Mới (trưởng thôn), chính quyền thôn ép chị Hiền phải xin lỗi cả làng vì đã làm tang lễ cho mẹ đi ngược lại thuần phong mỹ tục đồng thời phán chị Hiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì đánh bà Lan (trong khi như đã nêu ở trên CQĐT và tòa án đã xác định chị Hiền là bị hại). Bức xúc, chị Hiền bỏ về. Hậu quả của việc “thiếu tôn trọng chính quyền” đó là phán quyết của thôn dành cho chị Hiền sau cuộc họp (có biên bản, những người liên quan có ký tên): “không thừa nhận chị Hiền là con em trong làng, không được sinh hoạt, không tiếp nhận hộ khẩu của gia đình chị Hiền (bao gồm cả chồng và 3 đứa con), giao lại cho UBND xã và Công an xã quản lý” (?).
Sau “phán quyết” trời ơi này gia đình chị Hiền rơi vào hoang mang cực độ, bị cô lập. “Phận làm con tôi làm đám tang cho mẹ thì có gì sai? Phận làm người, tôi bị đánh mà cũng có tội à? Sao giờ tôi thành người “lậu” trong làng.”- Chị Hiền nước mắt ngắn dài tự hỏi.
Trong khi đó ông trưởng thôn Mới vẫn khăng khăng cho rằng việc “xử phạt” chị Hiền là... đúng và “hăm hở” khoe đã gửi biên bản cuộc họp nêu trên cho UBND xã Triệu Sơn từ ngày 16.8. Còn ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn thì cho biết đã nhận được biên bản nhưng chưa có... hướng xử lý (!). Dù nói sẽ chỉ đạo thôn không làm trái pháp luật nhưng sự im lặng khó hiểu lâu nay của chính quyền xã làm nhiều người nhẩm tưởng đó là sự đồng tình...
Trước nay vẫn nghe câu “phép vua thua lệ làng” nhưng quả không ngờ sau lũy tre làng lại có một câu chuyện kinh hoàng đến vậy... Đặc biệt đó là một làng văn hóa cấp tỉnh.
|
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)