Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, đánh giá có 12 luật tác động trực tiếp BĐS; còn luật liên quan thì có đến 60 luật. Xét về thủ tục hành chính thì một dự án phải có 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí, theo ý kiến của giới luật sư thì có tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định có liên quan. “Chúng tôi thường gọi là ma trận”, ông Hiệp nói và tán đồng quan điểm lấy luật Đất đai, luật Đầu tư làm 2 luật nền để từ đó sửa các luật chuyên ngành.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nêu 10 kiến nghị sửa đổi luật Đất đai, trong đó, đáng chú ý là các vấn đề mâu thuẫn: Cho người nước ngoài sở hữu và giao dịch BĐS. Hiện luật Kinh doanh BĐS đã cho phép trong khi luật Nhà ở thì không. Vấn đề bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất: Hiện việc này khó thực hiện là do phương án tính giá đất, mức giá 5 năm mới thay đổi một lần trong khi thực tế nền kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh trong 5 năm.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thừa nhận luật pháp không cập nhật kịp thời sự phát triển của thị trường, gây bức xúc. Quan điểm của Bộ Xây dựng là cần trình sửa luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS song song với luật Đất đai để giải quyết. Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), có đến hơn 100 luật liên quan đến đất đai, nên có nhiều chồng chéo, tác động không tốt đến thị trường. Luật Đất đai sửa đổi sẽ có 2 kỳ trình Quốc hội cho ý kiến, 1 kỳ thông qua nên còn nhiều thời gian để cơ quan soạn thảo lắng nghe phản hồi dư luận.
Bình luận (0)