Quy định 20% đất dự án làm nhà ở xã hội gây khó chủ đầu tư?

Lê Quân
Lê Quân
28/03/2022 17:33 GMT+7

Tại Hội nghị góp ý sửa đổi luật Đất đai , luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản , nhiều doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.

Có 3 hội nghị bàn về cách giải quyết mâu thuẫn của 3 luật

Ngày 28.3, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi luật 3 luật nêu trên để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo giữa luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và luật Đất đai được nêu ra

lê quân

Ông Nguyễn Văn Khối, Phó chủ tịch thường trực VNREA, cho biết đất đai là yếu tố quan trọng đóng vai trò chi phối các hoạt động của thị trường bất động sản, do đó, cần hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý phát triển bất động sản đa công năng, và phải sửa đổi đồng bộ quy định giữa các luật như: luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản nói riêng và các luật chuyên ngành nói chung.

Cùng với đó là các cơ chế, chính sách để cân bằng ổn định nền kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng kinh doanh bất động sản.

Ông Khôi cho biết, VNREA sẽ tổ chức 3 hội nghị để lắng nghe ý kiến tham gia về sửa đổi các luật liên quan để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, chú trọng về các quy định còn tồn tại, những bất cập, hạn chế như: quy hoạch chung đất đai và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai cần bổ sung định danh cho đất resort và villa, condotel, shophouse, homestay;… xác định đất để phát triển nhà ở xã hội và hoàn thiện cơ chế nhà ở công nhân; quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất để phù hợp với luật Nhà ở có 2 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo luật Đất đai và đấu thầu dự án…

Không nên quy định "bia kèm lạc"

Nói về quy định pháp luật phát triển nhà ở xã hội, PGS - TS Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng ban Pháp chế VNREA, cho rằng quy định bắt buộc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án thực sự không linh hoạt, khó khả thi trong thực tiễn kinh doanh.

Bất cập quy định về phát triển nhà ở được nhiều doanh nghiệp, đại biểu nêu lên tại hội nghị hôm nay

lê quân

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Quốc Toàn, đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, chia sẻ nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh cho rằng nên sửa đổi quy định trích 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.

“Đây là quy định còn quá nhiều bất cập, chúng tôi đề nghị nên loại bỏ càng sớm càng tốt. Thứ hai, việc quy định 20% nhà ở cho thuê hiện nay đang không có người thuê. Vì vậy, nên sửa đổi theo hướng giảm xuống còn 5 - 10%. Điều này sẽ giúp giảm lãng phí ngân sách, còn những dự án nào mà không ai thuê thì nên cho doanh nghiệp bán. Như doanh nghiệp chúng tôi, hiện nay đang vướng hàng ngàn căn hộ cho thuê mà không ai thuê”, ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng nêu, trong điều 49 luật Nhà ở quy định rất nhiều đối tượng như công chức, viên chức, người có công… được mua nhà ở xã hội. Để tránh tình trạng khó khăn khi bán hàng của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đề nghị thống nhất tên gọi, chỉ sử dụng duy nhất tên nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, chứ không phân ra các đối tượng cụ thể.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Mỹ Hưng, Phó giám đốc Khối Điều hành dự án TP.HCM, Tập đoàn Novaland, nêu ý kiến cần quy định theo hướng chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập, nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.

Ông Luyện Văn Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết địa phương này cũng đang gặp nhiều khó khăn về quy định phát triển nhà ở xã hội

đan hạ

Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, về phát triển nhà ở xã hội, với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập (nhận chuyển nhượng, góp vốn…) cho chủ đầu tư được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án.

Về lâu dài, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở thì nhà nước nên có các quỹ đất sạch quy hoạch khu vực xây dựng, và giao cho cơ quan quản lý kinh doanh nhà cấp tỉnh làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.

PGS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nêu ý kiến: “Về luật Nhà ở, hiện quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho nhà ở xã hội là vô cùng bất cập, không khác gì “bia kèm lạc”. Quy định này xuất phát từ mong muốn sự công bằng trong cuộc sống, để người nghèo cũng sống như người giàu, nhưng đây là điều không thể”, ông Cường nói.

Trong phần trình bày tham luận nêu về những khó khăn, bất cập khi thực hiện chính sách về đất đai, nhà ở, ông Luyện Văn Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cũng cho biết thống kê cho thấy nhu cầu tại Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đến năm 2030, nhưng tổng mặt sàn nhà ở đã được thực hiện chỉ đạt khoảng 1,2 triệu m2 sàn. Hà Nội đang đề xuất xây dựng nhà ở xã hội tập trung nhưng cũng không dễ dàng do có nhiều quy định đang bất cập.

“Chỉ nên để các cơ quan quản lý nhà nước bố trí quy hoạch chứ không phải các nhà đầu tư bố trí tại các dự án, rõ ràng cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi các dự án đã thông qua đấu giá đấu thầu rồi, sau đó phải dành 20% cho nhà ở xã hội thì nhà nước lại phải tính toán để trả lại cho nhà đầu tư, rất bất cập”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ Xây dựng vẫn sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp để thời gian tới đưa vào dự thảo luật sửa đổi, trình Chính phủ, Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.