Ma túy, mại dâm “tấn công” 9X

09/12/2006 13:19 GMT+7

Giống như bạn bè cùng trang lứa, các em cũng từng có một gia đình để yêu thương, có điều kiện học hành đầy đủ nhưng tất cả bị chôn vùi bởi ma túy, mại dâm và có thể cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS (gọi chung là “ba trong một”).

Đường trượt của Dung, của Trang...

Nằm chơ vơ giữa một vùng đồi núi, Trung tâm Giáo dục Lao động Số 2 (Ba Vì, Hà Tây), thuộc Bộ Lao động Thương binh & Xã hội nằm cách ly với thế giới bên ngoài bằng một con đường dài hun hút và cánh cửa chắn ngang nặng trịch, lạnh lẽo.

Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc và chú ý nhiều nhất là Dung, học viên nhỏ tuổi nhất ở Trung tâm. Ở tuổi 14, Dung trông rất phổng phao so với các bạn cùng trang lứa. Nếu không có chị phụ trách giới thiệu thì sẽ không dám nghĩ em là học viên ở đây. Bởi Dung toát lên vẻ sành sỏi trong cách trang điểm.

 

Khuôn mặt được tô tô trát trát một cách kỹ lưỡng và chăm chút từ đường kẻ chân mày đến đôi môi đỏ gợi cảm. Mái tóc màu hạt dẻ điểm thêm mấy sợi tóc highlight, phía đuôi mắt dính những hạt pha lê óng ánh khiến cho bất kỳ ai nhìn em cũng phải gật gù, sành điệu quá.

 

Quê ở Thái Bình nhưng do bố mẹ ly dị, Dung bị bỏ rơi. Không có người chăm sóc, Dung cứ vất vưởng giữa nhà bố, nhà mẹ và nhà bạn bè. Buồn chán thêm vào đó là sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến Dung quyết định bỏ nhà lên Hà Nội kiếm việc làm. Tuổi nhỏ lại không có bằng cấp nên không ai dám nhận Dung. Cuối cùng, Dung quyết định xin làm bưng bê cho một quán cà phê, mà thực chất là một quán mại dâm trá hình.

 

Những ngày đầu, Dung phớt lờ tất cả, chăm chỉ hoàn thành công viêc giặt giũ quét dọn với mục đích kiếm một chỗ ăn chỗ ngủ và có ít tiền tiêu hàng tháng. Em cũng tự nhủ phải biết giữ mình khi làm việc trong môi trường như thế này. Nhưng hàng ngày nhìn các chị tiếp viên của quán son phấn lộng lẫy, ăn mặc đẹp, tiền tiêu thoải mái khiến Dung lung lay. Tâm lý ăn no mặc ấm của Dung giờ nhường chỗ cho mong muốn ăn ngon mặc đẹp như các chị.

 

Như đoán được ý nghĩ đó, bà chủ quán khéo léo dụ dỗ Dung làm tiếp viên thay vì làm công việc oshin bẩn thỉu và cực nhọc, nào là cháu được chiều chuộng, có tiền tiêu thoải mái.

 

Sau những lời đường mật, Dung gật đầu đồng ý. Ngay tối hôm đó, Dung bán đi cái quý giá nhất của cuộc đời và bắt đầu trượt dần vào vũng bùn nhơ nhớp. Những đồng tiền kiếm được quá dễ dãi từ việc bán thân đã làm mờ mắt em. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Dung bị bắt trong một chiến dịch truy quét của công an và được đưa lên Trung tâm với thời gian giáo dục 12 tháng.

 

Ngược lại với Dung, Trang (16 tuổi) sinh ra ở một quận trung tâm Hà Nội. Gia đình không khá giả nhưng bố mẹ vẫn lo cho em ăn học tử tế. Nhưng, vì nghe bạn bè rủ rê và lôi kéo, en bỏ học giữa chừng. Những lần bỏ nhà đi hoang với bạn bè khiến bố mẹ bất lực và quyết định từ em. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng làm cho Trang quên đi tất cả. Và khi không đủ tiền ăn chơi, Trang đầu quân cho một động mại dâm.

 

Trang luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những ông khách thừa tiền. Thành quy luật, để có sức khỏe cho những đêm trắng, Trang dùng ma túy. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, em đã khóc cho số phận của mình, khóc vì em đã bất hiếu với bố mẹ nhưng rồi sau đó lại bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn: nghiện hút, bán dâm. Cuộc đời của em bước sang một trang mới khi em được đưa vào Trung tâm để học tập và làm lại cuộc đời.

 

Khi được chuyển Trung tâm 2, Dung và Trang mắc bệnh xã hội khiến cho các thầy cô mất nhiều thời gian chữa trị cho các em. Riêng Trang khó khăn hơn khi cô còn phải cai nghiện.

 

Hiện sức khỏe của hai em phục hồi nhiều nhưng khi đặt câu hỏi với cán bộ của Trung tâm: “Liệu hai em có bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS” thì nhận được sự im lặng và xin phép không tiết lộ chuyện này. Chị từ chối không trả lời hay im lặng cũng là một cách trả lời khéo?

 

Chị Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm 2, nói: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các em hư hỏng là do đua đòi và buồn chán chuyện gia đình. Đa số em ở đây có bố mẹ bỏ nhau, bố có vợ khác hoặc mẹ có chồng khác. Các em bị bỏ rơi không được quan tâm chăm sóc. Một bộ phận nhỏ hơn thì muốn có tiền ăn chơi nên sa ngã” .

 

Cần một trung tâm riêng cho các em 9X

 

Chị Phương cho biết thêm: “Các em bị thu gom vào đây vì nghiện ma túy và làm gái mại dâm. Có em tái nghiện rất nhiều lần, có em bán dâm từ năm 12 -13 tuổi. Những em nghiện ma túy cai nghiện tại Trung tâm trong thời gian 24 tháng. Còn những em bán dâm được chữa bệnh xã hội tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà quy định thời gian chữa trị, nhanh thì 1-2 tháng. Còn những bệnh nặng như lậu, giang mai thời gian chữa bệnh có thể lên đến 7-8 tháng”.

 

Thời gian ở Trung tâm các em cũng học thêu, làm hàng mã có một nghề khi tái hòa nhập xã hội. Bên cạnh đó các em cũng thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức về sức khỏe, học cách bảo vệ và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội cho bản thân.

 

Tất cả học viên nhí này được Trung tâm bố trí một phòng riêng để sinh hoạt và cũng để tách riêng với các học viên lớn tuổi khác trong Trung tâm.

 

Hiện ở Hà Nội mới chỉ có trường Phổ thông Nội trú & Dạy nghề Số 1 cho trẻ em nam hư hỏng phạm tội trộm cắp, đánh nhau... còn cho đến bây giờ vẫn chưa có một trung tâm nào dành riêng cho trẻ em nữ ở độ tuổi vị thành niên.

 

Theo quy định, tất cả em gái bị bắt vì mại dâm và ma túy được chuyển lên Trung tâm Số 2. Nhưng có khá nhiều trường hợp học viên nữ quay lại đây cải tạo lần thứ ba, thậm chí có học viên còn đang bị treo các mức án tù chờ thi hành, có ai dám đảm bảo các em không bị ảnh hưởng từ học viên? 

Sống cùng một môi trường sẽ khiến cho các em học tập những suy nghĩ và sự trải đời của những học viên khác, chưa kể có thể các em nữ sẽ bị tiêm nhiễm những kinh nghiệm xấu của thế hệ học viên trước. Liệu rằng khi chấp hành xong thời gian lao động tại trung tâm, các em có hoàn lương không hay lại dùng chính những kinh nghiệm học được để tái phạm?

Theo Thể Thao & Văn Hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.