TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho hay hiện có rất ít kháng sinh mới được nghiên cứu ra đời; nếu có thì “vòng đời” bị rút ngắn; vi khuẩn gây bệnh đã kháng hầu hết kháng sinh. Và nỗi sợ lớn nhất là một ngày nào đó, vi khuẩn đã kháng tất cả các loại kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng, con người chỉ biết trông chờ vào sự miễn dịch của bản thân để có thể vượt qua bệnh tật.
Về hiện tượng kháng kháng sinh, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng do nhân viên y tế chọn cách điều trị chưa phù hợp hoặc “mù” khi chỉ định cho bệnh nhân sử dụng khi chưa biết nguyên nhân. Nhưng nhiều nhất vẫn là sự lạm dụng kháng sinh của người dân. 88% dân thành thị và 91% dân nông thôn mua kháng sinh mà không cần toa.
Người dân mua kháng sinh uống theo thói quen, được truyền miệng hoặc “mượn toa”, rồi mua về uống. Trong khi đó, nhà thuốc - lẽ ra phải là nơi “chốt chặn” việc lạm dụng kháng sinh cho cộng đồng - thì đồng thời, cũng không hiếm nơi “tiếp tay” cho người mua, sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Quyết sách quản lý kháng sinh của Chính phủ đã có, như: giám sát kê kháng sinh trong các bệnh viện, bắt buộc nhà thuốc bán kháng sinh phải có toa, nối mạng quốc gia kiểm tra mua bán kháng sinh, kêu gọi nông dân hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi… Nhưng vì thiếu hiểu biết, bất chấp vì lợi nhuận đã khiến cho nhà nhà, người người sử dụng kháng sinh không hợp lý. Điều này không chỉ gây nguy hại cho bản thân mà còn kéo theo hệ lụy kinh tế nặng nề nếu mắc bệnh mà “hết thuốc chữa”.
Bình luận (0)