Những người nông dân tại Tây Nguyên đang chịu một "cơn đau đầu dễ chịu" khi sản lượng mắc-ca thu hoạch bao nhiêu cũng không đủ bán. Trong khi đó, giá thành loại hạt này tăng lên từng ngày và dự báo cầu vẫn áp đảo cung trong nhiều năm tới.
|
Trồng bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu
Ông Bùi Hữu Hòa (thôn Tân Trung, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết gia đình có trồng gần 3 héc-ta mắc-ca, mỗi năm “túi tiền” của gia đình cứ rủng rỉnh tăng lên. Năm 2013, sản lượng thu được hơn 1 tấn, bán được hơn 100 triệu đồng, năm 2014 thu được 295 triệu đồng và năm 2015 ước tính thu 500 triệu đồng. Từ một vài cây ban đầu trồng thử nghiệm, nay gia đình ông Hòa đã nhân lên được cả hàng nghìn cây, sản lượng mỗi năm cả chục tấn.
Không chỉ bán cây giống, chế biến hạt mắc-ca thành quả khô, hiện gia đình ông Hòa còn mở cả nhà máy chuyên ép dầu mắc-ca, với giá bán ra thị trường hơn 4 triệu đồng/lít. Dầu mắc-ca chuyên dùng để bôi làm mịn da, giảm lão hóa, nếp nhăn cho chị em phụ nữ. Hiện vấn đề đau đầu nhất của ông Hòa không phải lo đầu ra mà là bằng cách nào có thể huy động thêm vốn, mở rộng diện tích để trồng thêm mắc-ca. “Sản phẩm làm ra không đủ tiêu thụ, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày lấy của nhà tôi mấy tạ hạt, không đủ cung cấp. Nhà tôi mở cả công ty, mua gom của các hộ nhưng không lúc nào đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”, ông Hòa vui vẻ cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Đức Ba và bà Nguyễn Thị Kim Lan (Nguyễn Chí Thanh, xã Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) cũng chia sẻ: “Thu nhập bình quân 4 tấn mình cứ tính bình quân 300 đồng/kg, diện tích nhà tôi chưa đầy 1 mẫu nhưng thu hoạch gần 1 tỉ đồng, chưa kể bán cây giống. Mà trồng mắc-ca nhàn hơn cà phê, không phải hái khi đến mùa thu hoạch, trái cứ già là rụng từng chùm. Cứ quả ra bao nhiêu thì doanh nghiệp đến mua từng ấy, không phải lo khâu tiêu thụ, lãi lắm!”.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh VN, hiện nay diện tích canh tác mắc-ca trên cả nước ước đạt 5.000 hecta và phần lớn trong số đó là diện tích trồng mới chưa đến tuổi thu hoạch. Tổng sản lượng của mắc-ca tại Tây Nguyên năm qua khoảng 300 tấn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp muốn tham gia thị trường thu mua, chế biến và xuất khẩu. “Chúng tôi mong muốn sản lượng cao hơn và sẵn sàng đầu tư khâu chế biến với chất lượng thành phẩm cao để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Tuấn nói.
Cầu gấp 4 lần cung
Vẫn theo vị giám đốc này, thống kê từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, Đức, Mỹ, Nhật và châu Âu cho thấy nhu cầu về sản phẩm từ mắc-ca ngày càng tăng, nhưng không dễ để nâng sản lượng nguyên liệu và thành phẩm vì đặc thù các quốc gia khác nhau. Với giá trị dinh dưỡng, sản phẩm thị trường đa dạng, sự chấp thuận của thị trường thế giới với sản phẩm này, ông Tuấn khẳng định chắc chắn mô hình trồng - thu mua - chế biến và thương mại mắc-ca dù thời điểm này còn nhiều khó khăn, nhưng nếu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, từ các cơ quan chức năng và có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp được cụ thể hóa, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt diện tích trồng mắc-ca và hiệu quả kinh tế khiến nhiều quốc gia phải mơ ước.
Giáo sư Hoàng Hòe (Nguyên Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng) cũng nhận định, các đặc điểm giòn, bùi, thơm, ngậy của mắc-ca hấp dẫn mọi lứa tuổi. Cách ăn và chế biến rất phong phú, từ ăn sống hoặc trộn salad, xào, nấu, làm nhân bánh, kem, mứt… cho phép mắc-ca vượt qua mọi ranh giới, truyền thống ẩm thực để đến với mọi người trên thế giới…
“Vì những lý do trên nên nhu cầu nhân mắc-ca trên thị trường sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc. Cho dù diện tích trồng mắc-ca trên toàn thế giới tăng lên 4 lần thì giá trị vẫn không thay đổi”, giáo sư Hoàng Hòe cho biết.
Theo dự đoán, tổng sản lượng mắc-ca khi định hình hàng năm có thể đạt 800.000 tấn hạt, chế biến được 250.000 tấn nhân. Giá trị thương mại có thể đạt gần 4 tỉ USD/năm trong thời gian 15-20 năm tới (2030), nếu VN bắt đầu đầu tư xây dựng ngành công nghiệp mắc-ca ngay từ bây giờ.
Nguyệt Ánh
(THÔNG TIN DỊCH VỤ)
Bình luận (0)