Mặc cảm vì giọng vùng miền là không yêu quê hương

04/04/2015 06:30 GMT+7

Trò chuyện cùng Thanh Niên, “ông Mười khó” - nghệ sĩ hài Trường Giang đã chia sẻ nhiều điều thú vị, nhiều bài học ý nghĩa dành cho giới trẻ.

Trò chuyện cùng Thanh Niên, “ông Mười khó” - nghệ sĩ hài Trường Giang đã chia sẻ nhiều điều thú vị, nhiều bài học ý nghĩa dành cho giới trẻ.

Ảnh: Trường Giang cung cấp
Giọng nói, ngoại hình
Tôi muốn chia sẻ rằng giọng nói vùng miền là không quan trọng, là do người ta sinh ra ở mô thì nói giọng nớ. Tình yêu thương mới là quan trọng. Khi đã yêu thương thì có thể bỏ qua mọi thứ lấn cấn xung quanh
Nghệ sĩ hài Trường Giang
Chào anh, dường như khán giả mê anh không những vì anh diễn hài hay và duyên, mà còn vì giọng nói rất đặc biệt?
Chắc đúng như rứa. Giọng nói đặc sệt Quảng Nam - quê tôi, đã là đặc sản khó kiếm trong những vở hài rồi. Khán giả hễ nghe là khoái.
Anh tự hào vì giọng nói quê hương, thế nhưng không ít bạn trẻ, nhất là ở miền Trung cảm thấy tự ti và rụt rè vì nói không chuẩn, không hay. Anh nghĩ sao về điều này?
Đúng là có chuyện nớ. Nhưng ai mà cảm thấy tự ti vì giọng nói nghĩa là bản thân họ không yêu thương giọng nói của mình, không biết yêu thương quê hương của mình. Hãy bảo rằng “giọng tau là thế đó, nghe không nghe thì thôi”.
Nên tự hào giọng nói vùng miền, nhất là ở những tỉnh miền Trung, khó ai có thể học hỏi được. Đơn giản như vào Sài Gòn làm việc, học tập, chúng ta (những người miền Trung - PV) có thể tập nói được giọng Sài Gòn không quá khó khăn. Nhưng ngược lại, mần răng mà họ học được giọng nói của miền Trung.
Khán giả thường thấy anh vào những vai có tạo hình già nua, xấu xí. Quan điểm của anh về chuyện ngoại hình như thế nào?
Đẹp, xấu không quan trọng, không phải là vấn đề to tát. Đẹp ngoại hình làm chi khi không có đạo đức tốt? Ngoại hình chỉ để nhìn đã con mắt. Quan trọng là tính cách và lối sống. Cần sống có tâm, biết thương yêu cộng đồng, những người xung quanh. Tôi muốn chia sẻ với bạn trẻ, nếu ai đó không có gương mặt khả ái, không có ngoại hình thon gọn… thì đừng có tự ti. Thấy tôi không, lúc mô cũng mang đôi dép tổ ong, mặc bộ đồ như ông già mà có mần răng đâu. Cố gắng sống tốt là được.
Đừng “chọn nghề này vì ba tau thích”
Ngoài đóng hài anh còn viết kịch bản hài. Để có một tác phẩm hay, chọc cười khán giả thì phải viết như thế nào?
Để có một tác phẩm hay khó lắm. Vì kịch bản cần chạm vào cuộc sống thật. Sau đó mình phải nhìn dưới lăng kính hài hước để biến những điều thường thấy hằng ngày răng cho thú vị, hài hước. Và hơn nữa cần lồng ghép những thông điệp để chuyển tải đến khán giả.
Đó là những thông điệp gì?
Tất cả hài của tôi đều có thông điệp. Quan trọng là người xem có nắm bắt được hay không mà thôi. Những kịch bản tuy ngắn, nhưng ẩn sâu trong nớ là vô số những đạo lý làm người, tình yêu thương, những bài học đạo đức... giúp ích cho mọi người nói chung và người trẻ nói riêng.
Như trong vở Mười khó, tôi muốn chia sẻ rằng giọng nói vùng miền là không quan trọng, là do người ta sinh ra ở mô thì nói giọng nớ. Tình yêu thương mới là quan trọng. Khi đã yêu thương thì có thể bỏ qua mọi thứ lấn cấn xung quanh.
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, và giờ đã trở thành người nổi tiếng. Nhìn lại cuộc đời mình, anh có thể chia sẻ bí quyết vượt lên cái nghèo để thành công?
Nhiều bạn trẻ hay than vãn, mặc cảm vì gia cảnh nghèo túng. Chúng ta cần hiểu rằng không có gia đình thì không có mình. Không ai muốn nghèo cả. Ba mẹ chúng ta cũng rứa, cũng muốn giàu có, muốn thoát nghèo. Có xuất thân từ nông thôn, từ nghèo khó đi nữa thì cũng đừng mặc cảm, đừng trách tại sao ba mẹ nghèo. Như rứa là không thương gia đình, không thương ba mẹ mình. Tốt nhất hãy tìm cách thoát nghèo, đừng ở đó mà đổ lỗi, than vãn.
Phải chăng hài là sự lựa chọn đầu tiên của anh khi chọn nghề?
Tôi đam mê và tôi thích diễn nên tôi chọn nghề ni. Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, hãy chọn nghề theo niềm đam mê. Đừng “chọn nghề này vì ba tau thích”, “chọn nghề kia vì mẹ tau muốn”. Có đam mê thì mới có thể thành công. Ngoài ra, khi chọn nghề phải phù hợp, phải thực tế. Nếu hát dở mà khát khao làm ca sĩ thì quá viển vông. Hãy ngưng đi những ước mơ xa vời. Sau đó phải cố gắng học thật giỏi, những may mắn sẽ đến. Khi nắm bắt được may mắn sẽ có những cơ hội lớn hơn để tiếp cận những thành công to hơn.
Bình luận
“Nghe giọng chân chất của anh cảm thấy gần gũi, đỡ nhớ quê và thấy tự hào vì giọng nói của quê mình”
Ánh Nguyệt (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
 
 
“Giọng nói không hay nhưng giỏi thì vẫn được nhiều người ngưỡng mộ”.
Hoàng Tiễn (sinh viên Trường ĐH Văn Lang)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.