Mạc Can - trọn đời lãng du

30/05/2011 23:20 GMT+7

Mạc Can dường như là một bí ẩn của làng văn nghệ, dù ông có vẻ rất giản đơn…

Mạc Can bỗng dưng trở thành “hot” sau mấy vụ “đình đám”. Từ quyển Tấm ván phóng dao làm nên một “nhà văn trẻ”, đến chuyện tình xa xứ lẳng lặng tha phương tìm vốn sống bên Mỹ, và rồi đột ngột quay trở về ôm theo những trang sách nặng lòng.

Người trở về

Từ hôm về nước đến nay, Mạc Can xuất hiện nhiều ở 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM). Ông đi diễn ở một số game show, hội sách, còn lại thời gian dành cho viết lách. Ông nói mình đang thất nghiệp. Ông kêu bà bầu Mỹ Uyên khi dựng Tấm ván phóng dao của ông lên sân khấu thì cho ông một vai nhỏ đóng cho vui. Viết dĩ nhiên là rất thích rồi, nhưng làm cái gì đó có tính “hoạt động” ông càng thích hơn. Cái máu giang hồ mấy chục năm, giờ ngồi một chỗ mà viết thì chỉ xin nửa ngày thôi. Còn lại nửa ngày, ông cứ đi lang thang khắp nơi. Ghé 5B vì ở đó có nhiều bạn bè đồng nghiệp để tán gẫu.

Thế giới của ông còn là mấy quán cà phê vỉa hè, là muôn mặt người dưới đáy xã hội, có khi ông đứng từ xa nhìn họ, có khi ông lẫn vào họ, đóng một vai rất thân thiện mà ông cũng không hay biết. Khi trở về với chính mình, ông rút ra những bài học để viết, để diễn, nhưng có những bài học cũng khá đắt giá, tốn cả tiền, cả tình, cả uy tín, lòng tin. Nhưng lạ, cuối cùng vẫn là một Mạc Can được mọi người yêu mến, và họ kể những chuyện “huyền thoại” của ông như kể chuyện vui, trang điểm thêm cho con người kỳ quặc này, chứ không để bụng ghét bỏ.


Mạc Can ngồi tại 5B với áo bỏ vô quần và cặp đen rất bảnh - Ảnh: H.K
 

Mạc Can sau khi đi Mỹ về có khác chút đỉnh. Giờ ông chạy chiếc xe tử tế hơn, không chơi đồ lạc xoong như trước. Áo quần cũng tươm tất hơn, có bữa mặc sơ mi trắng bỏ vô quần trông bảnh chọe (nhưng áo không bao giờ ủi!). Chân đã chịu mang giày rồi, chứ không lê đôi dép mòn vẹt như xưa. Nhưng xin thưa, đôi giày này làm bằng nhựa, tha hồ chịu mưa, chịu ướt.

Chân dung nhìn hơi tức cười. À, tay còn ôm kè kè một cặp da đen, hồi mới có cái máy tính xách tay cũ để vô đó, nhưng sau bỏ ở nhà cho nhẹ. Cái cặp cũng là quá đẹp so với hồi xưa. Ông cười hềnh hệch: “Tui không muốn làm xấu bộ mặt thành phố nữa. Rủi người nước ngoài gặp tui, hỏi ra là nhà văn trẻ, thấy tui í ẹ quá thì họ sẽ “oánh giá” nền văn học Việt Nam”. Ông có kiểu nói đùa tỉnh queo như thế.

Tôi là cái thằng có tánh giang hồ mà biểu tu khổ hạnh, ở hoài một chỗ chắc tôi chết. Cái nghiệp sân khấu nó ám ảnh tôi từ hồi nhỏ xíu vậy đó. Tôi cũng từng lên diễn ảo thuật tại nhà thờ mà. Thôi, cho tôi giang hồ trọn đời đi, còn có mấy năm, tu sao kịp hết tội lỗi.

Nhà văn Mạc Can

“Cho tôi giang hồ trọn đời”

Bây giờ ông không có nhà để ở. Căn nhà tại Bình Chánh để cho con cháu đông đúc. Ông về tạm trú với cô em gái, nhà trong xứ đạo Thủ Đức. Vị linh mục cha xứ là bạn hồi trẻ của ông, vừa thân thương vừa muốn ông quay về với Chúa. Bởi hồi nhỏ, ông từng đi tu, nhưng tới giai đoạn gia nhập dòng khổ hạnh thì ông bỏ ra ngoài. Ông vui vẻ nhắc kỷ niệm: “Mẹ tôi mắng tôi là Lu-xi-phe. Tôi là cái thằng có tánh giang hồ mà biểu tu khổ hạnh, ở hoài một chỗ chắc tôi chết. Nói thiệt, tôi cứ nhìn nhà thờ thành ra sân khấu, còn cha lên giảng là đang… biểu diễn. Cái nghiệp sân khấu nó ám ảnh tôi từ hồi nhỏ xíu vậy đó. Tôi cũng từng lên diễn ảo thuật tại nhà thờ mà. Thôi, cho tôi giang hồ trọn đời đi, còn có mấy năm, tu sao kịp hết tội lỗi!”. Nhưng cứ chiều chiều, linh mục lại kêu ông qua nhà thờ nói chuyện cho vui. Bởi ông nói câu nào là tức cười câu đó. Ông rất tôn trọng cha xứ, nhưng cái chất hài nó khiến ông như vậy, muốn ngăn cũng không được.

Thời gian biểu bình thường của ông là buổi sáng phóng xe vô trung tâm thành phố, đi lung tung vô định, chừng nào mệt thì về. Mà thường tới chiều mới về, ngồi vào bàn phím gõ chữ cho tới khuya. Ăn uống vô chừng, đụng đâu ăn đó. Tiền không nhiều, chạy qua tòa soạn này lãnh nhuận bút bài báo vài trăm ngàn, chạy qua tòa soạn kia lãnh vài trăm ngàn, mới in được quyển sách Nhớ nghe đâu nhuận bút vài triệu. Cầm cự cũng qua ngày. Có sô đi diễn thì mừng, lại có “tiền tươi” chỉ sau một buổi. Vậy mà ông còn chi viện cho con cháu vì hoàn cảnh họ cũng khó khăn.

Mạc Can mới bị té xe, giờ xương sườn ông vẫn còn đau ê ẩm, và đầu óc choáng váng. Nhưng ông vẫn cứ phóng xe đi giang hồ mỗi ngày, không chịu ở yên. Có người đông đúc chung quanh, dù sao cũng còn nở được nụ cười. Mặt buồn thì buồn, nhưng Mạc Can đã cười thì rất hồn nhiên… 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.