‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Dồn hết chữa ung thư cho con dù nợ ngập đầu

06/07/2021 09:52 GMT+7

Hơn 1 năm Covid-19 ập đến, cũng là ngần ấy thời gian vợ chồng chị Thư (công nhân TP.HCM) rơi vào cảnh nợ ngập đầu, nhịn ăn chữa ung thư cho con gái 6 tuổi, nhiều khi phải ‘giảm bớt’ thuốc của con vì không xoay nổi.

Rời ruộng đồng Bình Định vào TP.HCM làm công nhân, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thư (33 tuổi, ở trọ Q.Gò Vấp) và anh Nguyễn Văn Năm (36 tuổi) nhịn ăn nhịn mặc dành dụm được vài đồng thì con gái bị ung thư não. Đúng lúc Covid-19 ập đến, chị Thư nghỉ việc, anh Năm làm thợ quảng cáo "bữa đực bữa cái" khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.

Bế tắc ở Sài Gòn

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, con đường dẫn vào khu trọ của gia đình chị Thư dây phong tỏa căng khắp nơi. Trong con hẻm cụt, mấy đứa trẻ bịt khẩu trang chạy nhảy nô đùa. Nép mình trong đường vào dãy trọ tối đen, bé Nguyễn Hoàng Yến (6 tuổi, con gái chị Thư) đôi mắt đượm buồn, mái tóc ngắn cũn chưa che hết các vết sẹo chi chít trên đầu nhìn về phía đám bạn cùng lứa, chốc chốc thở dài.
Căn trọ rộng chừng 15 mét vuông có mấy thùng mì, vài bao gạo cứu trợ nằm gọn một bên, cả tháng qua, hết khu phố rồi đến quận phong tỏa, gia đình chị Thư sống bằng đồ cứu trợ của người dân TP.HCM như vậy.

Bé Yến biết bệnh của mình, nhưng nhiều khi bị những cơn đau hành hạ, không chịu đựng được khiến bé nổi nóng

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Thư kể, tháng 3.2020, bé Yến phát hiện có u não. Trước ca mổ, bác sĩ cho gia đình 1 ngày suy nghĩ vì ca mổ não có thể đánh đổi bằng tính mạng của bé. Không còn lựa chọn, để cứu con, chị Thư ký giấy đồng ý mổ. Sau ca mổ, bé Yến phải nằm viện gần cả năm để điều trị nội tiết gan, thận, nhiễm trùng máu…

Thất nghiệp giữa dịch Covid-19, người phụ nữ một mình lo cho chồng chạy thận, mẹ già tàn tật

“Cứ thận, gan, phù người nằm miết ở BV Nhi đồng 2, trị xong ở khoa Thận nội tiết lại nhiễm trùng máu sang khoa Huyết học. Tôi nghỉ việc để chăm con, nuôi hi vọng là u mổ được rồi, giờ chạy mấy cái đây thôi, cực chút cũng không sao vì đã cứu được con. Nhưng sau đó lại phát hiện bé bị tắc mạch máu não. Đầu tháng 12.2020, u của cháu mọc lại nên chuyển sang BV Ung bướu TP.HCM”, chị Thư nhớ lại.

Hơn 1 năm phát hiện bệnh, thời gian bé Yến nằm điều trị ở BV nhiều hơn ở nhà

Ảnh: Vũ Phượng

Bệnh tình kéo dài liên tục, nhiều lần nhìn chồng một mình xoay xở với các khoản nợ, viện phí, thuốc men, công việc thất thường, chị Thư tính xin đi giúp việc nhà theo giờ để có đồng nào hay đồng đó. Nhưng bệnh của con mỗi lúc một nặng, mọi chuyện nằm ngoài dự tính.
Bé Yến vừa qua 1 lần xạ trị, bác sĩ báo u đã mọc rải rác, di căn xuống cột sống không thể tiếp tục điều trị. Gần cả năm dốc hết tiền bạc, vay nợ khắp nơi điều trị cho con mạnh mẽ thế nào, nghe tin này, vợ chồng chị Thư chỉ biết nhìn nhau mà khóc.
Ở quê, anh Năm mồ côi cha mẹ, không còn ai ruột thịt để nhờ vả. Cha mẹ chị Thư cũng đã cắm sổ đỏ vay tiền trị bệnh cho cháu. Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, công việc thợ quảng cáo của anh Năm thất thường theo dịch. Bao nhiêu tiền dành dụm đã hết sạch, số tiền vay nợ khắp nơi cũng lên tới hơn trăm triệu. Tiền thuốc cho con vẫn phải chi đều hàng tháng, áp lực tiền bạc dồn dập, chỗ nào có thể mượn đều đã mượn hết khiến gia đình bế tắc.

Hai vợ chồng anh Năm dành toàn bộ thời gian rảnh để chăm sóc, chơi cùng con

Ảnh: Vũ Phượng

Nhìn con ngồi chơi, anh Năm thở dài: “Chuyện ăn của mình thì không màng, mình nhịn đói cũng được, nhưng tiền thuốc cho con thì có đói vẫn phải mua. Con như sự sống của mình vậy. Đêm nào hai vợ chồng cũng nhìn con ngủ, rồi vắt tay lên trán trằn trọc, nay con còn mấy viên thuốc, uống được bao nhiêu ngày nữa, mai gọi ai mượn tiền. Suy nghĩ mãi mệt quá mới thiếp đi. Giá như không có Covid lúc này, ở TP.HCM chịu khó cày cuốc cũng đủ tiền thuốc cho con”.

Bản tin Covid-19 ngày 5.7: Ngày “kỷ lục” 1.102 ca, chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM

Mắc kẹt trong nỗi lo

Căn phòng trọ nóng hầm hập, chiếc quạt gắn trên tường kêu ọt ẹt, bé Yến và em gái 4 tuổi ngồi chơi trò bác sĩ khám bệnh. Anh Năm và chị Thư cứ ngồi đó, nhìn con, thỉnh thoảng xoa bóp khi con kêu mệt. Người đàn ông vạm vỡ chốc chốc lại quay mặt đi, len lén lau nước mắt.
Khi bé Yến đổ bệnh, anh chị phải gửi bé nhỏ về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Mới đây, bé nhỏ được đưa vào TP.HCM thăm chị, cũng là lúc dịch bùng phát nên kẹt lại luôn ở đây. “Cũng muốn cho chị em gần nhau, nhưng bệnh của bé lớn thất thường lắm. Vì mổ rồi nên thần kinh bé không được bình thường, có khi kêu mẹ là con này, con kia, đập phá đồ đạc, có thể nhập viện bất kỳ lúc nào”, chị Thư kể.

Nhắc đến con, chị Thư lại không kìm được nước mắt

Ảnh: Vũ Phượng

Hơn 1 năm con phát hiện có khối u, những giấc ngủ của chị Thư cũng chập chờn. Vừa chợp mắt, chị lại quay qua xem con thế nào, nhiều lần con mệt nằm yên không trở mình khiến chị thót tim vì sợ. “Sáng nào ngủ dậy nghe con còn gọi mẹ là còn thấy mừng. Vừa lo cho con vừa lo tiền bạc, chưa bao giờ thấy mình cùng đường như vậy. Chồng nói để anh ráng lo, nhưng dịch suốt, có muốn lo cũng không được”, chị chia sẻ.
Mấy tháng qua, khu phố phong tỏa vì liên quan ca nghi nhiễm, rồi lại đến Gò Vấp phong tỏa phòng dịch, dịch vụ không thiết yếu buộc dừng hoạt động, công việc quảng cáo của anh Năm họa may lắm mới được gọi đi làm. Làm được đồng nào, anh chị lại đi mua thuốc cho con, còn lại mới lo nhà trọ, ăn uống. Vậy mà mấy tháng ròng, chẳng khi nào đủ được tiền nhà trọ.
Tới bữa cho con uống thuốc, vợ chồng lại ngồi đếm xem thuốc còn bao nhiêu ngày. Dịch này, bạn bè, người thân ai cũng gặp khó, ai có thể vay mượn anh chị cũng đều mượn cả rồi. Anh Năm tâm sự: “Ngày bác sĩ kê 1,5 viên thì đành cho con giảm bớt xuống 1 viên, xoay được tiền mua thuốc tiếp thì uống lại như đơn cũ. Đau đứt ruột, không nghĩ cuộc sống lại đẩy mình vào cùng đường như vậy. Giá mình có tiền thì biết đâu con có thêm hi vọng sống”.

Chị Thư bật khóc khi nghe con gái nói: "Con mấy tuổi rồi, con không nhớ được"

Ảnh: Vũ Phượng

Từ khi con bệnh, bữa cơm của vợ chồng chỉ toàn rau, củ, hôm nào có trứng chiên hay chút thịt, cá được hàng xóm cho phần hết cho con, rồi cũng qua bữa. Gần chục năm làm công nhân ở TP.HCM, thắt lưng buộc bụng chi tiêu, giờ vợ chồng anh Năm không còn gì, chỉ có thêm một số nợ khổng lồ - con số mà không biết bao nhiêu tháng lương công nhân mới trả hết.
Theo đúng tuổi, hết hè này bé Yến sẽ bước vào lớp 1, nhưng có lẽ chuyện học hành đành phải gác lại vì bệnh tình mỗi ngày một nặng, bé không thể tự chủ được vệ sinh cá nhân, nhiều lúc lăn đùng ra té vì mất thăng bằng,… Nghe ba mẹ nhắc đến mình với PV, bé Yến hồn nhiên nói: “Tháng sau là sinh nhật con, con không ước gì hết, chỉ mong hết bệnh, bắt được con sâu trong đầu ra cho nó khỏi hành con nữa. Con nói con chia tay nó để ở với ba mẹ mà nó không chịu. Mà mẹ ơi con mấy tuổi rồi, con không nhớ được, con tức con quá”.
Thắt lòng nghe những lời con nói, chị Thư lại kéo vạt áo lên quẹt vội hai hàng nước mắt: “Chưa bao giờ tôi bế tắc như vậy, những nỗi lo cứ chất chồng lên trong những suy nghĩ. Tôi đã làm hết khả năng nhưng tự trách chính mình vẫn không thể lo cho con để bệnh đơn giản chuyển biến đến không thể chữa được”. "Kẹt" giữa những nỗi lo về bệnh tình của con, về tiền thuốc men, tiền nhà trọ, tiền ăn uống, những khoản nợ,... vợ chồng chị Thư cũng không biết phải thoát ra bằng cách nào.

"Kẹt" giữa chính những nỗi lo, anh chị cũng không có cách nào để thoát ra

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (52 tuổi, chủ nhà trọ) cho biết, nhiều lần nhìn thấy chị Thư ôm con đi nhập viện, hàng xóm lại gom góp người vài trăm để phụ giúp. Để chia sẻ bớt gánh nặng mùa dịch Covid, bà Mai miễn luôn tiền nhà trọ cho chị Thư mấy tháng trời. Có món gì ngon bà cũng nấu dư ra một ít mang sang để vợ chồng chị ăn dằn bụng.
Bà Đào Thị Tuyết (57 tuổi, mẹ chị Thư) tại Bình Định cũng chia sẻ, bà vừa mổ cột sống nên không thể làm gì phụ được con cháu. Trong nhà vợ chồng già có sổ đỏ là tài sản quý giá nhất cũng mang đi cắm gửi tiền lo viện phí cho cháu ngoại.
“Tết rồi nó về ở chơi 10 ngày mới biết nó chăm cháu bệnh cực thế nào, nửa đêm con bé lên cơn cắn rồi chửi mẹ. Khi dịu cơn đau nó nói con xin lỗi mẹ, con lỡ lời nghe thương lắm. Sợ cha mẹ già không chịu được cảnh này, nó lại ôm con vào TP.HCM một mình chăm lo. Nó thông minh mà sao cuộc sống lại nghiệt ngã vậy không biết…”, bà Tuyết nghẹn lời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.