"Madame Vịt" Khánh Linh là một trong những khách mời tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 29.8 giới thiệu cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2023. Cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2023 chính là sự tiếp nối của cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội từng được tổ chức đầu tiên vào năm 1994.
Khánh Linh cho biết, cô dự thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội khi mới 17 tuổi, rất trẻ. "Ban giám khảo khi đó thích những bài hoành tráng, kỹ thuật khó. Nhưng Khánh Linh 17 tuổi cũng mới học được một vài kỹ thuật thanh nhạc thôi. Tôi lại thích hát nhạc nhẹ nữa, nên quyết định chọn bài của nhạc sĩ Ngọc Châu", Khánh Linh nhớ lại.
Nam ca sĩ Vũ Thắng Lợi cũng chia sẻ kỷ niệm ngày thi cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội, nay là Tiếng hát Hà Nội. "Khi đó, mỗi thí sinh dự thi 2 bài, một bài trong số đó phải là bài hát về Hà Nội. Thường thì các ca sĩ sẽ hát một bài về Hà Nội và một "bài tủ" của họ. Tuy nhiên, tôi đã hát luôn cả 2 bài về Hà Nội. Vì thế, ban giám khảo còn động viên cho tôi thêm một giải nữa là giải Người hát hay nhất bài hát về Hà Nội", ca sĩ Vũ Thắng Lợi nói.
Cùng với Khánh Linh, Vũ Thắng Lợi, cuộc thi tiền thân của Tiếng hát Hà Nội có nhiều ca sĩ từng đoạt giải nay đã thành danh. Đó là NSƯT Mai Hoa, NSƯT Phương Anh, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Quyên, Kasim Hoàng Vũ…
Là một trong những cuộc thi thanh nhạc đầu tiên trên cả nước, cuộc thi được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao và có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông đảo, đồng thời cũng là một chương trình truyền hình có thương hiệu lâu năm của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Ban tổ chức cho biết, đối tượng dự thi của Tiếng hát Hà Nội 2023 là công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt giới tính, có sức khỏe, ngoại hình phù hợp, độ tuổi từ 18 - 32 tuổi (tính đến ngày đăng ký). Việc đăng ký được thực hiện qua ứng dụng Hanoi On bắt đầu từ ngày 29.8 - 20.9. Cuộc thi diễn ra từ 20.9 - 28.10.
Năm nay, Tiếng hát Hà Nội có điểm đặc biệt là từ sau vòng sơ loại, các thí sinh sẽ được ban tổ chức tạo điều kiện để có thể thể hiện hết khả năng của mình với công chúng bằng các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội phù hợp.
Trong đó, mỗi thí sinh được tạo kênh YouTube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình giành danh hiệu quán quân. Lượt xem, lượt yêu thích và các tương tác trên kênh sẽ là một cơ sở để ban tổ chức đánh giá và tìm ra thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Nói cách khác, ban tổ chức giúp thí sinh xây dựng ý thức về vai trò người của công chúng, hoàn thiện hình ảnh của mình trước khán giả.
Ban tổ chức cuộc thi Tiếng hát Hà Nội cũng cho biết, cuộc thi có 1 giải nhất trị giá trên 200 triệu đồng; 3 giải nhì, 6 giải ba và các giải phụ. Mặc dù vậy, cuộc thi không có nhà tài trợ mà sử dụng kinh phí của thành phố.
NSND Quang Vinh, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Tiếng hát Hà Nội, cho rằng Tiếng hát Hà Nội hướng đến sự chuyên nghiệp. Với "bệ đỡ" là một cơ quan truyền thông lớn, các thí sinh đoạt giải sẽ có cơ hội tham gia vào các sự kiện nghệ thuật lớn của thành phố, xuất hiện trên các chương trình do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội sản xuất.
Ông cũng kỳ vọng vào sự đa dạng của các bài hát về Hà Nội trong cuộc thi. "Hà Nội không chỉ có những thanh âm "leng keng tàu sớm khuya" hay tiếng "bom rơi thời chiến tranh". Hà Nội ngày nay là một thủ đô năng động, sáng tạo, hội nhập và các bạn trẻ sẽ mang đến rất nhiều góc nhìn mới mẻ qua các bài hát," NSND Quang Vinh nói.
Bình luận (0)