Mafia Armenia ở Mỹ

13/11/2010 15:40 GMT+7

(TNTS) Lâu nay người ta thường nói "mafia Nga ở Mỹ" để chỉ những băng đảng có nguồn gốc từ Liên Xô trước đây. Thế nhưng, trung tuần tháng 10.2010, tại Mỹ, một băng đảng mafia người gốc Armenia vừa sa lưới, cho thấy tầm vóc và quy mô hoạt động của chúng có khi còn hơn cả mafia Nga và mafia Ý.

Tiền thật, bệnh nhân ảo

Trong thời gian qua, một làn sóng bắt bớ diễn ra từ New York, Los Angeles đến các bang như Ohio, Georgia, New Mexico của nước Mỹ. Hàng chục người Mỹ gốc Armenia bị bắt giữ. Chính quyền tuyên bố vừa khám phá đường dây các bệnh viện giả mạo nhằm moi tiền từ ngân sách nhà nước thuộc chương trình y tế Medicare. Đây là một trong những vụ lừa đảo tiền bạc gây chấn động nhất từ khi có chương trình y tế liên bang và nó cho thấy quy mô tầm vóc mafia Armenia không thua kém gì mafia Nga trước đây.

Tham gia chiến dịch này là các cơ quan liên bang Mỹ như Cục Điều tra liên bang (FBI), Viện công tố, Bộ An ninh nội địa, Bộ Y tế. Có hơn 70 người gốc Armenia được cho là băng đảng tội phạm. Những người này thành lập 118 bệnh viện giả tại 25 bang của Mỹ, sau đó tạo dựng các hồ sơ khám chữa bệnh giả mạo để rút ra 163 triệu USD tiền bảo hiểm. Một số người khác bị tình nghi hiện đang trong tầm truy nã gắt gao. Nếu bị buộc đúng tội, số người này sẽ bị kết án từ 20 năm tù giam đến chung thân.


Michael Dobrushin đồng đảng của Armen Kazarian bị bắt giữ

Dù vậy, trong thời gian diễn ra phiên tòa sơ thẩm tại Manhattan, khi Thẩm phán Robert Pattinson vội vã đọc hàng tá bản luận tội, thì những bị cáo và cả luật sư của họ đều bình thản rồi sau đó không ai trong số này nhận tội. Phần lớn những người này được tại ngoại sau khi đã đóng tiền thế chân từ 100 nghìn đến nửa triệu USD.  

Sở dĩ các bị cáo có thể bình thản đến như thế, bởi tên các bệnh nhân, ngày sinh, số thẻ bảo hiểm xã hội đều là thật 100%. Tên các bác sĩ chữa bệnh, số thẻ, giấy phép hành nghề, ngày sinh của họ đều là thật 100%. Nhưng… tất cả được hacker đánh cắp từ dữ liệu của các cơ sở y tế tại nhiều bang ở Mỹ. Và trên thực tế không có ai đến bệnh viện để chữa bệnh cả. Tất cả là ảo, chỉ có giấy thanh toán viện phí là thật. Trong vòng 4 năm gần đây, băng đảng mafia này đã thu bất chính tổng cộng 35 triệu USD. Công tố viên liên bang tại Manhattan - ông Preet Bharara  nói rằng, xét về quy mô và hình thức lừa đảo, mafia Ý hẳn phải chào thua.

Từ trích lục tòa án mà một số báo khai thác được, có thể thấy băng đảng mafia gốc Armenia đã kinh doanh "những linh hồn chết". Bọn chúng bịa ra những tai nạn giao thông, với đủ các loại bệnh tật cho nhiều bệnh nhân ảo với đích nhắm cuối cùng là moi tiền của bảo hiểm y tế. Ngoài ra, bọn chúng còn buôn bán thẻ tín dụng đánh cắp được, thuốc phiện, các loại chất gây nghiện…

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, hang ổ của bọn lừa đảo được đặt tại Los Angeles, nơi sinh sống chủ yếu của những người Armenia nhập cư vào Mỹ. Bọn chúng đánh cắp danh sách 3.000 bệnh nhân của Trung tâm Y tế Organe ở thành phố Middletown, bang New York. Còn các bệnh viện ảo mọc lên như nấm trên khắp nước Mỹ, từ New York đến California. Các bệnh viện này nhanh chóng thực hiện các phi vụ lừa đảo rồi nhanh chóng đóng cửa, rồi lại xuất hiện dưới cái tên mới khác nhằm xóa sạch dấu vết.

Số tiền phi pháp nhận được, được bọn mafia "rửa" lại bằng nhiều con đường, chuyển từ tài khoản này qua tài khoản khác, nhiều khi thông qua các các casino ở Les Vegas, rồi chuyển về cho đồng bọn ở Armenia.  

Kẻ trộm hợp pháp

Thủ lĩnh của băng đảng mafia Armenia là Armen Kazarian, 46 tuổi, cư dân của Los Angeles.  Tờ The New York Times còn viết Kazarian có biệt danh là "Vor" (một tiếng lóng mà nếu dịch ra có thể hiểu là "kẻ trộm hợp pháp") và hắn ta là bố già của bọn mafia.


Robert Terdjanian đồng đảng của Armen Kazarian bị bắt giữ 

Armen Kazarian đến Mỹ vào năm 1996 theo quy chế tị nạn chính trị. Hắn dựng lên câu chuyện khá rùng rợn, nào là trực tiếp chứng kiến cảnh bố mình bị tưới xăng vào rồi bị thiêu. Nào là khi Kazarian đến thăm mộ bố thì bị đánh đập dã man. 9 năm sau đó (2005), các nhân viên FBI xác định bố của hắn ta còn sống. Hằng ngày Kazarian đi dạo tại Los Angeles trên chiếc xe Rolls-Royce Phantom (giá không dưới 300 nghìn USD).

Theo thông tin từ tuần báo Itogi, Nga, Armen Kazarian trước khi đến Mỹ đã có biệt danh là "Pzo" và khá có tiếng tăm trong giới giang hồ. Tài liệu của cơ quan điều tra Nga cho thấy, Pzo là thủ lĩnh của một tổ chức tội phạm, chuyên buôn bán vũ khí, các loại đá quý bất hợp pháp hay ma túy, đất hiếm, cũng như bắt cóc con tin tống tiền. Vào năm 1995, tại Moscow, Pzo thoát chết trong gang tấc. Khi đó một tên trùm mafia khác là Ishkhan Sarkisian đứng cạnh hắn đã bị bắn tỉa ở trung tâm thủ đô Nga. Giống như mọi bố già khác, Armen Kazarian thích quyền lực và ban phát ân huệ. Hắn ta có thể phẩy tay xóa cho một đàn em món nợ 100 nghìn USD. Nhưng cũng vì một lý do nào đó mà có thể giận dữ kề dao vào kẻ "ngang ngạnh"… Công tố viên cho rằng, với Armen Kazarian, đây là trường hợp đầu tiên một "kẻ trộm hợp pháp" từ Liên Xô trước đây bị bắt trên lãnh thổ Mỹ và có thể sẽ bị kết án rất nặng.

Lỗ hổng của pháp luật 

Cũng cần nói thêm Medicare là chương trình bảo hiểm y tế của Chính phủ Mỹ dành cho người già trên 65 tuổi và người khuyết tật. Đây là mảnh đất màu mỡ cho bọn mafia. Chương trình được Bộ Y tế và các cơ quan xã hội điều hành. Chính quyền liên bang ký kết với các hãng tư nhân làm cầu nối trung gian giữa Nhà nước với các cơ sở y tế - bệnh nhân, nhằm giúp cho 32 triệu người có được bảo hiểm sức khỏe trước đây họ chưa có. Nước Mỹ có 83% số người dưới 65 tuổi cư ngụ hợp pháp có bảo hiểm sức khỏe, nay thực hiện dự luật này đưa tổng số dân Mỹ có bảo hiểm y tế lên 95%. Nhìn tổng thể đây là chương trình lớn, nhưng lại cồng kềnh và rất quan liêu hành chính, có liên quan đến hàng "núi" giấy tờ hơn là hướng trực tiếp đến con người. Không có ai kiểm tra giám sát. Chỉ cần lập bệnh viện, có bệnh nhân, có khám chữa bệnh là có thể rút được tiền bảo hiểm. Chỉ có 5% trên tổng số các hóa đơn viện phí bị Medicare từ chối thanh toán.


Varugan Amroyan đồng đảng của Armen Kazarian bị bắt giữ

Theo ước tính chính thức, hằng năm gian lận tài chính trong chương trình y tế Mỹ "ngốn" của ngân sách quốc gia khoảng 60 tỉ USD. Vào năm 2007, chính quyền đã phải thành lập tổ chức liên cơ quan để đấu tranh với tệ nạn này. Từ đó đến nay đã truy tố 800 người có liên quan đến lừa đảo bảo hiểm y tế với tổng số tiền lên đến 2 tỉ USD. Mùa hè vừa qua, tại Miami, Baton Rouge, New York, Detroit, Houston các cơ quan bảo vệ đã bắt giữ gần 100 bác sĩ, các chủ bệnh viện "đáng kính" vì đã làm tổn hại 250 triệu USD tiền ngân sách.

Bố già Armen Kazarian và đồng bọn sa lưới nhưng không phải câu chuyện đã chấm dứt. Phía sau vụ án này là nỗi lo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ. Mafia ngày nay đã khác: Không chỉ buôn lậu ma túy, bắt cóc tống tiền, giết người, mà còn sử dụng công nghệ cao để kiếm tiền một cách "sạch sẽ" hơn, an toàn hơn khi lách qua các khe cửa hẹp của hành lang pháp lý.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.