Trả lời phỏng vấn tạp chí Flash, ông Yoshinori Oda, thủ lĩnh nhóm Ninkyo Dantai Yamaguchi-gumi, cho biết các băng nhóm mafia Nhật (yakuza) “lâu nay chủ yếu hoạt động nội địa, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi”. Ông Oda lên kế hoạch thành lập công ty quân sự tư nhân (PMC), vốn hợp pháp ở nước ngoài. PMC thường cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ và cả lính đánh thuê.
Vươn vòi sang Đông Nam Á
“Ngoài Nhật Bản, các PMC lâu nay hoạt động hợp pháp ở Mỹ và châu Âu. Chúng tôi không thể vào Mỹ nên sẽ thành lập văn phòng chi nhánh tại Đông Nam Á. Khi nhận được hợp đồng thuê bảo vệ hay vệ sĩ đảm bảo an ninh cho công dân Nhật Bản, chúng tôi sẽ lập tức triển khai lực lượng”, ông Oda cho biết. “Hồi năm 2016, chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với các cựu binh Nhật và Pháp. Tất cả mọi người tham gia cuộc họp đều hoan nghênh sáng kiến này và muốn gia nhập công ty”, theo ông Oda.
Ý tưởng của ông Oda có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Các công ty và tổ chức của Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài trong những năm gần đây lo ngại về sự an toàn của nhân viên, nhất là sau vụ các tay súng Hồi giáo cực đoan tấn công nhà hàng ở Bangladesh, giết chết 7 nhân viên Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản hồi tháng 7.2016. Vào tháng 1.2013, trên 40 người thiệt mạng, trong đó có 10 kỹ sư Nhật Bản, sau khi các phần tử khủng bố có dính líu với
al-Qaeda chiếm nhà máy khí đốt ở Algeria, bắt nhiều người làm con tin. Bên cạnh đó, doanh nhân Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành mục tiêu của những kẻ bắt cóc tại một số quốc gia Đông Nam Á. Mới đây nhất là vụ bắt cóc và sát hại doanh nhân Hàn Quốc ở Philippines hồi tháng 1.2017.
Thời buổi khó khăn
Ông Jake Adelstein, nhà báo Mỹ chuyên nghiên cứu về thế giới ngầm ở Nhật Bản, nhận định băng nhóm Ninkyo Dantai Yamaguchi-gumi rõ ràng đang muốn chuyển sang hướng làm ăn mới. “Ông Oda thường hay nói quá và có thể đây chỉ mới là ý tưởng. Nhưng điều này cho thấy Ninkyo Dantai Yamaguchi-gumi muốn có hoạt động kinh doanh mà chưa nhóm nào khác làm trong lúc lâm vào cảnh túng quẫn do những đợt truy quét của cảnh sát sau khi Nhật Bản thông qua luật chống yakuza”, chuyên gia Adelstein nhận định.
“Tuy nhiên, ý tưởng lập PMC có thể thành công. Các phần tử yakuza quá quen thuộc với bạo lực nhưng lại rất trung thành, vâng lời và sẵn sàng bỏ mạng vì thủ lĩnh, nên họ sẽ trở thành vệ sĩ hay lính đánh thuê tốt. Bên cạnh đó, ông Oda có thể dễ dàng thuê một số cựu binh huấn luyện kỹ năng chiến đấu”, theo ông Adelstein. Dù vậy, một câu hỏi được đặt ra là liệu doanh nghiệp hoạt động hợp pháp của Nhật Bản có muốn ký hợp đồng với công ty của yakuza hay không.
Ninkyo Dantai Yamaguchi-gumi được Yoshinori Oda thành lập sau khi tách khỏi nhóm Kobe Yamaguchi-gumi do bất hòa nội bộ. Bản thân Yamaguchi-gumi cũng chỉ mới được thành lập sau khi tách khỏi tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi hồi năm 2015. Vụ ly khai này đã dẫn đến hàng loạt vụ thanh toán đẫm máu, khiến cảnh sát Nhật phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Đời sống của các thành viên nhóm Kobe Yamaguchi-gumi được cho là gặp khó khăn đến mức phải đi trộm thức ăn. Hồi cuối tháng 5, cảnh sát bắt giữ 2 thành viên của nhóm Kobe Yamaguchi-gumi vì cố trộm nhiều loại thực phẩm với tổng giá trị 76.120 yen (683 USD) trong một siêu thị ở TP.Nagoya. Hai người đàn ông 52 và 59 tuổi cố trộm 198 loại thực phẩm, bao gồm dưa hấu, gạo và lươn. Họ thú nhận với cảnh sát rằng nhóm quá nghèo nên buộc phải trộm cắp, theo tờ The Asahi Shinbun.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản hồi tháng 3 công bố số liệu cho thấy số lượng thành viên yakuza sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Đáng chú ý, trong năm 2016 số phần tử yakuza là 39.100, giảm mạnh so với số lượng 53.000 vào năm 2015. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 20.050 thành viên yakuza trong năm 2016. “Số lượng thành viên các băng nhóm yakuza giảm dần nhờ luật phòng chống tội phạm có tổ chức, cùng những đợt truy quét của cảnh sát, khiến yakuza ngày càng khó kiếm tiền thông qua hoạt động bảo kê”, tờ The Asashi Shimbun dẫn lời một quan chức cảnh sát cho biết.
Nhật Bản thông qua luật hồi năm 2011, theo đó cấm doanh nghiệp đóng tiền bảo kê cho yakuza và cơ quan chức năng có thể truy tố thủ lĩnh băng nhóm nếu đàn em phạm tội. Cũng giống như mafia Ý hoặc Trung Quốc, yakuza tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh như sòng bạc, ma túy, mại dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê... Đa số thành viên yakuza bị bắt vì hoạt động bài bạc trái phép, tống tiền và giết người.
|
Bình luận (0)