Bị suy yếu từ khoảng 3 năm nay, các băng nhóm mafia Nhật, còn gọi là yakuza, phải tìm cách thay đổi để duy trì tầm ảnh hưởng của mình.
Các tổ chức yakuza với khoảng 80.000 thành viên thật sự là một thế lực kinh tế tại Nhật Bản. Khét tiếng nhất trong 22 băng đang tồn tại là Yamaguchi-gumi, Inagawakai và Sumiyoshi-rengo. Trong bài phỏng vấn độc quyền trên tờ L’Expansion mới đây, trùm Masatoshi Kumagai của Inagawakai, tập đoàn yakuza lớn thứ 2 Nhật Bản, không ngần ngại bàn về chuyện “phát triển kinh tế” của mafia Nhật.
Yakuza cũng khủng hoảng
Xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 17, yakuza làm mưa làm gió tại Nhật trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn thu những khoản lợi khổng lồ từ buôn bán ma túy, vũ khí, thu tiền bảo kê… Các băng nhóm thường có liên hệ phức tạp với các tổ chức chính trị nên ít bị thẳng tay trừng phạt. Sau Thế chiến 2, yakuza thậm chí từng được chính quyền nhờ cậy để chống lại các băng nhóm tội phạm Trung Quốc, Hàn Quốc tại Nhật. Đến thập niên 1960, các tổ chức mafia lại được một số đảng chính trị thuê để gây áp lực, ám sát các nhân vật chống đối. Chính vì vậy, trước đây, những tổ chức này hoạt động khá ung dung, mở văn phòng, trưng bảng hiệu công khai. Mọi việc chỉ thay đổi khi chính phủ Nhật tuyên chiến với tội phạm vào năm 2009 trước áp lực của dân chúng.
|
Trùm Kumagai nhận định với L’Expansion: “Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thay đổi là đợt khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 2008. Để cải thiện hình ảnh đang nhạt nhòa theo tình hình kinh tế toàn cầu, chính quyền Nhật phải lấy lại sự ủng hộ của dân chúng qua việc thể hiện quyết tâm đối phó yakuza”. Luật lệ trở nên nghiêm ngặt hơn, cảnh sát không còn khoan dung như trước. Dân Nhật cũng bớt lo sợ và nhiều người đã tham gia biểu tình phản đối các tổ chức tội phạm. Các tổ chức yakuza bắt đầu rơi vào… khủng hoảng kinh tế khi nhiều hoạt động truyền thống bị siết lại, điển hình là thu tiền bảo kê. Hiện nay, những người buôn bán đóng phí cho yakuza sẽ bị cảnh sát “hỏi thăm”. Họ bị cảnh cáo lần đầu và nếu tái phạm có thể phải đóng phạt nặng, thậm chí bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ngay cả trong các lĩnh vực kinh doanh mà yakuza bám rễ lâu đời như ngành xây dựng, việc “làm ăn” cũng ngày càng khó khăn. Ngoài ra, sự nổi lên của các thế lực tội phạm nước ngoài cũng đe dọa vị trí lâu nay của yakuza.
Tìm mô hình mới
Từ vài năm nay, yakuza đã trở nên bí mật hơn trước và bắt đầu xây dựng vỏ bọc “hợp pháp”. Các tổ chức này đầu tư nhiều hơn vào bất động sản, xây dựng và chứng khoán. L’Expansion dẫn tài liệu từ cảnh sát Nhật ước tính hơn một nửa doanh thu của mafia nước này đến từ kinh doanh hợp pháp. Đây là chiến thuật khá hiệu quả của yakuza: xen lẫn giữa những thành viên thực thụ là các “hội viên”. Có đến 42.300/80.000 yakuza chỉ là hội viên. Những người này không xăm mình và có thể là chuyên gia trong nhiều ngành khác nhau…
Ngoài chiến lược “nửa chính nửa tà”, để tìm mô hình kinh tế mới, một số tổ chức tội phạm bắt đầu tính chuyện mở rộng địa bàn hoạt động ra nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Á. Kumagai cho biết ông ta bắt đầu thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và mới đây đã góp vốn đầu tư vào casino ở Macau. Tuy nhiên, đối sách này đang gặp khá nhiều khó khăn vì truyền thống của mafia Nhật là tập trung hoạt động và xây dựng ảnh hưởng trong nước. Điều thuận lợi duy nhất là yakuza khá “nổi tiếng” trong giới tội phạm châu Á nên dần dà vẫn có thể xây dựng được mạng lưới đối tác bản xứ.
“Ngân hàng” lớn nhất nước Ý
Che giấu bớt hình ảnh bạo lực để xâm nhập nền kinh tế là xu hướng chung của các tổ chức mafia trên thế giới. Tờ Le Figaro dẫn báo cáo vừa công bố của Tổ chức SOS Impresa cho thấy với 65 tỉ euro tiền mặt dành cho các hoạt động cho vay nặng lãi, mafia Ý là “ngân hàng” lớn nhất nước này. Trong bối cảnh khủng hoảng, các ngân hàng Ý không thể đáp ứng hết nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp. Marco Venturi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Confesercenti, nhận định: “Trong thời buổi này, mafia là nhóm duy nhất có khả năng đầu tư”. Thế là cho vay nặng lãi trở thành nguồn thu nhập lợi nhuận cao, tinh vi và an toàn. Theo Reuters, hoạt động cho vay của mafia Ý ngày nay có diện mạo “sạch sẽ” với sự hiện diện của nhân viên ngân hàng, luật sư hoặc công chứng viên. Vì thế, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ tưởng đã tìm được phao cứu sinh để tránh phá sản nhưng không ngờ lọt vào “hàm cá mập”. Hậu quả là hơn 1.800 doanh nghiệp đóng cửa mỗi năm do không trả nổi nợ và bị mafia tịch thu tài sản. Nghiêm trọng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng thông qua cho vay và thâu tóm các doanh nghiệp, mafia Ý đang trên đường thao túng cả nền kinh tế.
|
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)