“Barras Bravas” ngày nay được dùng để nói đến những fan bóng đá bạo lực và nguy hiểm nhất châu Mỹ - Latin.
Barras Bravas ngày nay trở thành nỗi khiếp sợ của bóng đá Argentina - Ảnh: reportevalencia.com
|
Tại Argentina, “Barras Bravas” còn phát triển thành một mạng lưới có tổ chức liên kết với quyền lực chính trị để thao túng các đội bóng trên cả nước, thu lại lợi nhuận kếch xù.
Bạo lực thể hiện... danh dự
Theo nhà xã hội học người Argentina Jose Garriga, thuật ngữ “Barras Bravas” bắt đầu phổ biến trong những năm 1970 với những nhóm cổ động viên (CĐV) tự thành lập để cổ vũ đội bóng địa phương. Mỗi trận đấu, “Barras Bravas” đều cổ vũ như một lễ hội với cờ, trống, chơi nhạc cụ và bắn pháo hoa... Ban đầu, các nhóm Barras Bravas nhận được sự hỗ trợ chi phí từ các đội bóng về vé, di chuyển và cả tiền mặt.
Tuy nhiên, đến năm 1980, những lễ hội cổ vũ dần chuyển hóa theo hướng bạo lực và bóp méo bản chất của “Barras Bravas” thành những băng đảng giống như mafia. Eduardo Perez - một Barras Bravas 25 tuổi của CLB nhỏ bé Mitre ở San Pedro, cho biết để gia nhập Barras Bravas, ngoài việc mang cờ, đánh trống, CĐV còn phải có tinh thần sử dụng “nắm đấm” hướng về phía đối thủ.
Đổi lại, CĐV sẽ nhận được vé miễn phí, đồ uống và cả cần sa trong mỗi trận đấu từ Barras Bravas. Ngày nay, các cuộc đụng độ bạo lực, chết chóc giữa các thành viên Barras Bravas là một phần không thể thiếu ở bóng đá xứ sở tango. Các thành viên của Barras Bravas hầu hết đều là những thanh niên nghèo đến từ các khu ổ chuột nên bạo lực mặc nhiên được xem là danh dự và uy tín của chính họ. Uy tín được tăng cao tùy thuộc vào mức độ dũng cảm trong các cuộc đụng độ bạo lực. Mỗi khi đã đạt được uy tín cao, các thành viên Barras Bravas sẽ nhận được sự ưu ái trong mọi hoạt động, dịch vụ tại địa phương.
Áp đặt quyền lực lên các đội bóng
Thế lực của các nhóm Barras Bravas Argentina lớn dần sau nhiều thập niên và lấn sân sang cả việc quản lý các đội bóng. Họ kiểm soát các cầu thủ, HLV, người quản lý của các CLB.
Những quan chức CLB nào không đáp ứng nhu cầu của Barras Bravas sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải hoặc dọa giết, kể cả chủ tịch đội bóng. Một đoạn video rúng động bóng đá Argentina được công bố vào năm 2012 đã phản ánh quyền lực “đen” của Barras Bravas.
Đoạn video cho thấy Paulo "Bebote" Alvarez (lãnh đạo Barras Bravas của CLB nổi tiếng Independiente) đe dọa chủ tịch đội bóng là Javier Cantero trên truyền hình trực tiếp. Trước đó, ông Cantero từng nhiều lần bị dọa giết và đội ngũ quản lý CLB mất nhiều thành viên kể từ khi tuyên chiến với Barras Bravas. Trong đoạn video, Cantero nổi giận hét: “Không biết bao nhiêu tiền đã đưa ông (Alvarez)? 42.000 USD vào tháng 9! 32.000 USD trong tháng 10 và một số bị ăn cắp! Ông là một tên trộm!”.
Một nhà báo Argentina chuyên điều tra về tham nhũng trong bóng đá tiết lộ với tờ Guardian rằng Barras Bravas thậm chí còn được nhận đến 30% phí chuyển nhượng cầu thủ và 20% tiền lương của các cầu thủ.
Lợi nhuận “đen”
Kể từ khi bóng đá trở thành một ngành công nghiệp có lợi nhuận tốt, các nhóm Barras Bravas “vươn vòi bạo lực” để thao túng các đội bóng ở Argentina. Đầu tiên, Barras Bravas quản lý việc bán vé, in vé, trước khi nắm quyền kiểm soát các bãi đỗ xe xung quanh sân vận động. Vì vậy, với hàng trăm ngàn CĐV đến sân mỗi tuần, những khoản lợi nhuận lớn đều “chảy vào túi” các băng đảng Barras Bravas.
Theo tờ La Nacion, mỗi trận đấu trên sân Bombonera ở thủ đô Buenos Aires, riêng các nhân viên giữ xe thu được số tiền khoảng 300.000 peso (khoảng 30.000 USD). Trong và ngoài sân, Barras Bravas cũng sở hữu các cửa hàng giải khát, hàng hóa và thậm chí cung cấp chất gây nghiện cho CĐV.
Trong một cuộc điều tra vào năm 2013, cảnh sát đã thu giữ tổng cộng 170 kg cocaine, cần sa, thuốc lắc và hơn 150 vé bóng đá... trị giá đến 600.000 USD liên quan đến một nhóm Barras Bravas ở San Martin thuộc Buenos Aires. Năm 2013, một lãnh đạo Barras Bravas ở San Martin là một trong số 11 tên tội phạm bị bắt giữ vì tình nghi dính đến đường dây cung cấp ma túy, buôn bán người và mại dâm. Cảnh sát tịch thu vũ khí, xe hơi đắt tiền và hàng ngàn USD từ lãnh đạo trên.
Trong cùng năm tại Rosario (một thành phố phía đông bắc Argentina), lãnh đạo của nhóm Barras Bravas là Emanuel Ferreyra bị bắt giam do bị nghi ngờ làm việc cho băng đảng mafia Los monos khét tiếng ở địa phương.
Theo Tổ chức phi chính phủ Salvemos el Futbol (Let's Save Soccer), từ năm 2000 - 2009, trung bình mỗi năm có 5 CĐV thiệt mạng do bạo lực bóng đá ở Argentina liên quan đến Barras Bravas và con số đó tăng gấp đôi từ năm 2010 đến nay.
|
Bình luận (0)