Mafia thao túng thể thao: Messi cũng là nạn nhân 'rửa tiền'

10/12/2015 09:48 GMT+7

Ngoài những trận đấu 'ma', mafia còn thao túng những trận đấu giao hữu nổi tiếng để rửa tiền và thu lợi bất chính trên thị trường cá cược, trong đó danh thủ Lionel Messi cũng là nạn nhân.

Ngoài những trận đấu 'ma', mafia còn thao túng những trận đấu giao hữu nổi tiếng để rửa tiền và thu lợi bất chính trên thị trường cá cược, trong đó danh thủ Lionel Messi cũng là nạn nhân.
Lionel Messi và Andres Barco - Ảnh: El Mundo
Mafia gài bẫy Messi
Tài năng và sự nổi tiếng biến Lionel Messi trở thành “công cụ” hữu hiệu để gây quỹ từ thiện thông qua các trận đấu giao hữu khắp toàn cầu. Thế nhưng, cũng từ những chuyến đi với sứ mạng nhân đạo, siêu sao người Argentina phải treo trên đầu một vụ bê bối mà tên tuổi luôn bị đặt cùng các “ông trùm” buôn bán ma túy khét tiếng với nghi án “rửa” hàng triệu USD. Trong đó, ông Jorge Messi (người cha kiêm quản lý tài chính của Lionel Messi) đã bị điều tra.
Đó chính là trận đấu giữa đội “Messi and Friends” với đội “Rest of the World” tại Colombia vào tháng 6.2013 nhằm gây quỹ từ thiện (đội Messi and Friends thắng 9-6) nhưng cuối cùng bị nghi ngờ là rửa tiền buôn bán ma túy. Reuters cho hay việc tổ chức trận đấu tại Colombia được giao cho Total Conciertos, một công ty mờ ám mà bây giờ đang là trọng tâm của cuộc điều tra. Động thái này hết sức kỳ lạ, bởi dù việc tổ chức trận đấu khá phức tạp ở khâu hậu cần liên quan đến hàng triệu USD nhưng lại được giao cho một công ty mới thành lập chưa đầy... 2 tháng. Lạ lùng hơn, Total Conciertos chỉ có vốn điều lệ 250.000 USD với 5 nhân viên, chưa một lần có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao. Đáng nói hơn, theo tờ El Espectador, chủ sở hữu của công ty là một nhân vật đầy tiền án tiền sự, Andres Barco. Gã giám đốc này từng bị kết tội gian lận vào năm 2008 và đối mặt với các cuộc điều tra về trộm cắp, gian lận chứng từ, trong khi hầu hết nhân viên đều là thành viên của các băng đảng tội phạm.
Mới đây, theo tờ El Pais, cảnh sát Tây Ban Nha vừa “khai quật” một số giao dịch tài chính mờ ám của Total Conciertos. Thứ nhất, trận đấu ở Colombia tuyên truyền sẽ tặng UNICEF một khoản tiền từ thiện, nhưng trong một tuyên bố trên tờ El Mundo, tổ chức này cho biết không hề nhận được khoản tiền nào và cũng chẳng liên quan gì đến việc tổ chức trận đấu. Thứ hai, cơ quan điều tra trưng ra một đoạn ghi âm mô tả Barco thỏa thuận trả cho Marin 4 triệu USD để được quyền tổ chức trận đấu tại Colombia, trong đó bao gồm một khoản sẽ trả cho Messi. Và kỳ lạ hơn, ngay sau khi các cuộc điều tra được khởi động, các nhân vật chính trong vụ bê bối của Messi lại biến mất một cách bí ẩn.
Những trận đấu “ma”
Ngày 3.2.2014, câu lạc bộ FC Slutsk đánh bại Shakhter Soligorsk 2-1 ở một trận đấu thuộc khuôn khổ Belarus Premier League. Đối với Shakhter Soligorsk, một đội bóng từng tham dự Champions League lẫn Europa League, thì thất bại trên thật khó nuốt trôi. Nhưng chỉ có điều Shakhter Soligorsk chẳng hề hay biết để mà thất vọng, bởi trận đấu trên thực tế không diễn ra. Dẫu vậy, 2 hãng cá cược châu Âu Bet365 và SBOBET vẫn mất một khoản tiền không nhỏ cho cửa cược FC Slutsk thắng. Đến tháng 8, trên lịch thi đấu các hãng cá cược xuất hiện kết quả trận giao hữu giữa CLB Freamunde (Bồ Đào Nha) gặp Ponferradina (Tây Ban Nha). Dù trên thực tế Freamunde đã đá và đối thủ không phải Ponferradina, nhưng bất chấp, tỷ lệ cược vẫn được trực tiếp trên Betfair.
Theo tờ Telegraph, các trận đấu “ma” được dàn dựng bởi các băng đảng tội phạm ở châu Á. Họ đã lợi dụng kẽ hở số lượng trực tiếp cùng một lúc với số lượng lớn các trận đấu khắp toàn cầu trên các trang cá cược để đạo diễn các trận đấu “ma”, đặc biệt là các trận giao hữu. Theo đó, ngoài việc hối lộ, mua chuộc các quan chức bóng đá, các băng đảng tội phạm sau đó thuê các trinh sát dữ liệu để hình thành lịch trình, số liệu thống kê và trực tiếp kết quả “ma” nhằm thu lợi “khủng” từ cá trang cá cược hợp pháp lẫn phi pháp. Đỉnh điểm vào năm 2010 khi FIFA phát hiện một cú lừa ngoạn mục khó tin nhất trong lịch sử bóng đá trong trận giao hữu tuyển chủ nhà Bahrain đánh bại Togo 3-0. Bởi khi hay tin, LĐBĐ Togo khẳng định không cử đội tuyển quốc gia đá trận giao hữu trên và đội tuyển Togo kia không biết từ đâu “lòi ra”. Sau này, một báo cáo điều tra tiết lộ các băng đảng tội phạm đã thuê 18 cầu thủ phong trào để biến họ thành những tuyển thủ quốc gia Togo sang Trung Đông đá giao hữu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.