Lẽ thường ở các doanh nghiệp ngành may mặc thì công nhân nữ luôn chiếm số đông, vậy mà trong số gần 600 công nhân của Công ty TNHH SX-TM-DV Hoan Vinh (Công ty Hoan Vinh, xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành, Tiền Giang) lại có hơn 60% là nam giới. Trong đó có khoảng một nửa thuộc dạng “cá biệt” như: từng có tiền án, tiền sự, quậy phá… và gần 70 người khuyết tật.
Giám đốc Phan Thị Xuân Thu với công nhân xưởng may - Ảnh: Phương Hà
|
Tạo cơ hội cho người lầm lỡ
Lý giải về việc sử dụng lao động táo bạo như vậy, Giám đốc Công ty Hoan Vinh Phan Thị Xuân Thu nói: “Nếu mình không tạo cơ hội cho các em làm việc thì họ sẽ về đâu?”. Nói thì dễ nhưng làm được rất khó bởi Hoan Vinh là một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Hàn Quốc… với những yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Do vậy, để đưa đội ngũ công nhân “cá biệt” vào kỷ luật, nền nếp, theo bà Xuân Thu thì ngoài ý chí, tâm huyết, người quản lý còn phải có tình thương.
Chính vì vậy mà tại Công ty Hoan Vinh có những quy định rất “mở” và rất lạ, chẳng hạn như người lao động khi đến xin việc nếu chưa có tay nghề sẽ được dạy nghề, ăn uống miễn phí lại còn được trả tiền công. Khi học nghề xong, người lao động có quyền quyết định ở lại làm việc hoặc tìm nơi khác thích hợp, công ty không ràng buộc. Riêng đối với lao động có tay nghề thì được thử việc trong 3 ngày và được trả lương để xem có phù hợp với công việc lâu dài hay không. Thậm chí, nếu người lao động có nhu cầu muốn chuyển đổi, công ty sẵn sàng cho nghỉ việc từ 3 ngày đến 1 tháng để đi tìm việc làm mới. Và trong trường hợp không tìm được nơi thích hợp thì công ty vẫn mở rộng cửa để họ quay về.
Một trong những công nhân “cá biệt” là Dương Ngọc Thanh Trà (20 tuổi) cho biết đã làm việc ở Hoan Vinh được hơn 4 tháng. Sau khi mãn hạn tù, Trà được cha đưa đến công ty xin việc và được nhận làm công nhân với thu nhập trung bình khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. “Làm việc ở đây tôi không bị mặc cảm vì bạn bè kỳ thị hoặc phân biệt đối xử gì cả, mặc dù ai cũng biết quá khứ của tôi”, Trà chia sẻ. Hoặc như Nguyễn Duy Anh đã xin việc nhiều nơi nhưng không nơi nào dám nhận sau khi xem qua hạnh kiểm được địa phương nhận xét trong lý lịch. “Không ngờ khi đến đây tôi được nhận và dạy nghề. Sau đó công ty còn cho mượn tiền để chuộc lại xe máy mà trước đó tôi đã cầm vì thua cá độ bóng đá”, Duy Anh cho biết.
Chia sẻ gánh nặng với xã hội
Trường hợp Nguyễn Hạ Sương (20 tuổi, quê ở xã Tân Lý Tây) là một công nhân đặc biệt vì bị câm điếc bẩm sinh. Khi được hỏi thăm, Sương viết vào mảnh giấy nhỏ và khoe vừa mới nhận được 4,2 triệu đồng tiền lương đem về đưa hết cho mẹ. Rồi trường hợp của Trương Thị Đẹp (quê ở xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) cũng là người khuyết tật. Đẹp bị chứng vẹo cổ do di chứng động kinh. Cô cho biết đã gắn bó ở đây hơn 3 năm, lúc lấy chồng còn được công ty tặng 1 chỉ vàng.
Còn đối với những trường hợp từng lầm lỗi, Giám đốc Phan Thị Xuân Thu rất tự tin khi nói về việc cảm hóa họ: “Nhiều người từng tỏ ra e ngại vì việc làm táo bạo của tôi nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Đành rằng mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng không vì vậy mà quên cộng đồng. Trong xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn và rất đáng thương. Nếu các em không được giáo dục, uốn nắn lại, tạo cơ hội để hòa nhập cộng đồng thì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Nguyên tắc ứng xử với công nhân của Công ty Hoan Vinh là vừa răn đe vừa mềm mỏng. Theo bà Xuân Thu, công ty không chỉ là nơi để công nhân làm việc kiếm sống mà còn là nơi giúp đỡ cho những người lầm lỡ và đón nhận họ với tình cảm yêu thương gia đình. Để khuyến khích công nhân làm việc tốt và gắn bó lâu dài, công ty còn có những quy định rất "lạ" như: nếu kết hôn với người cùng công ty thì sẽ được tặng một đôi bông tai hột xoàn trị giá 10 triệu đồng, còn kết hôn với người bên ngoài thì được tặng 1 chỉ vàng.
Bình luận (0)