Một gia đình ở Quảng Bình mua đất, dựng nhà rồi đón các cựu TNXP về phụng dưỡng.
Những hoàn cảnh éo le
Anh Trần Hùng Sơn - Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Bình - tâm sự: “Mười mấy năm làm công tác Đoàn và giờ là phụ trách lĩnh vực cựu TNXP, mình biết hiện có rất nhiều cựu TNXP tình cảnh hết sức khó khăn, sức khỏe không có, tiền bạc và gia đình cũng không. Điều này khiến mình luôn phải suy tư". Cách đây 4 năm, nghe có người bán đất trang trại, anh Sơn liền bàn với vợ gom góp tiền đến mua ngay, sau đó tiếp tục vay mượn để xây nhà, xây được nhà rồi ngay lập tức đón các anh chị cựu TNXP về ở. “Đó là lúc mình vui sướng nhất, bao mong mỏi, ước nguyện bấy lâu giờ đã thành hiện thực”, anh sơn nói. Người đầu tiên được anh Sơn đón về là bà Nguyễn Thị Hà (69 tuổi, quê gốc ở Hà Tây cũ). Tham gia TNXP hoạt động ở Quảng Bình, sau đó lấy chồng ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch; hai vợ chồng bà sinh được 4 người con. Kinh tế eo hẹp, bản thân thường xuyên bị bệnh tật và các vết thương cũ hành hạ nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ khi người chồng qua đời vào năm 2006. Đến ông Lê Văn Nuôi (68 tuổi, quê xã Duy Ninh, H.Quảng Ninh) với hoàn cảnh rất thương tâm. Tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và thuộc quân số của Đoàn 104, từng hoạt động tại Thạch Hãn (Quảng Trị) và nhiều vùng khác ở Quảng Bình, khi đất nước hòa bình, ông lập gia đình và sinh được một đứa con. Cuộc sống đang hạnh phúc thì tai họa ập đến bất ngờ vào năm 1992, vợ và con của ông bị lũ cuốn trôi. Đau đớn và tuyệt vọng, ông không còn nghị lực để tiếp tục sống tại nơi đã cướp mất những người thân của mình. Nhiều lúc ông cứ đi nơi này sang nơi khác như tìm kiếm thứ gì đó thiêng liêng đã mất. Bệnh thần kinh khiến hai bàn tay ông co quắp lại không thể làm được việc gì...
|
Ấm áp nghĩa tình
Tọa lạc giữa khu rừng thông xã Thuận Đức (TP.Đồng Hới) có nhiều cây cối xanh tươi mát dịu, ngôi nhà trở thành trung tâm đón tiếp, gặp gỡ của các cựu TNXP và cựu chiến binh từ mọi miền. Đến khu nhà đã cảm nhận ngay sức sống mới và sự ấm áp qua từng khoảng sân vườn, từng gốc cây chậu cảnh hay cánh võng đu đưa. Cầm 2 bàn tay đen sạm của ông Nuôi, anh Sơn phấn khởi nói: “Khi về đây thì bàn tay này co lại do bị thần kinh nhưng sau thời gian được bác sĩ châm cứu, giờ đã đỡ hơn nhiều. Nay ông có thể cầm cuốc làm vườn. Ở đây,mọi người thích làm gì thì làm, để cho vui tay vui chân”.
Các cựu TNXP ở đây đều không được hưởng một chế độ gì hết. Tất cả kinh phí đều do vợ chồng anh Sơn bỏ ra. Ở tuổi ngoài năm mươi, ngoài công việc chính ở Hội Cựu TNXP tỉnh, anh còn tham gia rất nhiều hoạt động khác từ trong nhà ra xã hội. Thật ngạc nhiên vì chính tay anh đi chợ mua đồ ăn rồi mang lên cho các cựu TNXP vào mỗi buổi sáng, mà quãng đường đến 9 km chứ đâu phải ít. Thỉnh thoảng anh chở các thành viên đi tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh, chở mọi người về thăm nhà ở quê.
Chia tay chúng tôi, anh Sơn trăn trở: “Hiện khoảng 60% cựu TNXP trong tổng số hơn 17.500 người ở Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trên 200 người đang sống một mình, không nơi nương tựa. Tới đây mình sẽ cố gắng đón thêm một số người nữa về ở”.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)