Mai hay yếm?

18/03/2018 06:36 GMT+7

Giáp cốt văn là những “văn bản” ghi lại kết quả của việc bói cát hung thời Ân Thương bên Trung Hoa, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, như thời tiết nắng mưa, thu hoạch mùa màng, hoặc bệnh tật, sinh nở, những việc nguy hiểm như chiến tranh, săn bắt, quan trọng như tế tự.

Cốt là xương thì chắc nhiều người biết nhưng giáp thì lại là một khái niệm hơi rắc rối. Trang tvvp.sgu.edu.vn/tai-lieu viết: “Giáp cốt văn 甲骨文 nghĩa đen là chữ viết được khắc trên mai rùa (giáp) và xương thú (cốt). Giáp cốt văn (hay chữ giáp cốt) là thể chữ Hán cổ xưa nhất được tìm thấy cho đến ngày nay. Thời đại của những mảnh xương thú, mai rùa có khắc chữ giáp cốt là thời kỳ Ân Thương” (Phần I Đại cương về chữ Hán, Trường đại học Sài Gòn, Khoa Thư viện - Văn phòng).
TCV (tapchiviet.info) viết: “Giáp cốt là thuật ngữ dùng để chỉ xương và mai rùa dùng để bói, gặp trong các di tích đời Thương ở Trung Quốc, cũng gọi là bốc cốt (xương bói)”.
Từ điển Hán Nôm (hvdic.thivien.net/whv/文) cho biết: “Giáp cốt văn 甲骨文 (là) chữ viết trên mai rùa, trên xương”. Lược sử chữ Hán của Lê Huy Hoàng trên trang http://www.ahvinhnghiem.org/
LuocSuChuHan.html viết: “Giáp cốt văn 甲骨?文 nghĩa đen là chữ viết được khắc trên mai rùa (giáp) và xương thú (cốt)”. Trang CRIonline (http://vietnamese.cri.cn), mục Ân Hư và Giáp cốt văn viết: “Văn tự giáp cốt là loại văn tự cổ kính khắc trên mai rùa và xương thú”. Trang thienlybuutoa.org viết: “Phép bói giáp cốt có từ đời Thương. Giáp 甲 ở đây là quy giáp 龜甲 (mai rùa: tortoise shell, tortoise carapace)” (phép bói của người Trung Quốc ngày xưa - IV. Bói giáp cốt và giáp cốt văn).
Nhiều người/nguồn khác cũng cho rằng trong giáp cốt văn thì giáp là “mai rùa” nhưng sự thật lại không phải như thế. Đối với giống rùa, tiếng Hán dùng từ giáp [甲] để chỉ cả mặt lưng lẫn mặt bụng. Mặt lưng là bối giáp [背w甲], tiếng Anh là carapace, tiếng Pháp là coquille còn mặt bụng là phúc giáp [腹 甲], mà cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều gọi là plastron. Những lời bốc từ thì được khắc trên mặt bụng, tức phúc giáp. Chẳng cần quan sát kỹ ta cũng có thể thấy rằng mai là mặt lồi của “vỏ” rùa, còn yếm là mặt phẳng nên thuận lợi cho việc khắc chữ trên đó.
Cũng có nguồn đã ghi nhận đúng hiện tượng này nhưng lại dùng danh ngữ mai bụng. Blog bầu trời buổi sớm, bài Giáp cốt văn, chẳng hạn, đã viết: “Quy giáp thú cốt văn 龟甲兽骨文, Quy giáp văn tự 龟甲文字, Quy bản văn 龟版文 xuất phát từ vật liệu ghi chép là mai bụng rùa (chúng tôi nhấn mạnh - A.C) và xương thú”.
Nhưng tiếng Việt lại không dùng hai tiếng “mai bụng” để chỉ cái tiếng Hán gọi là phúc giáp, còn tiếng Anh, tiếng Pháp là plastron vì nó đã có sẵn danh từ yếm, mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex giảng là “phần vỏ cứng che bụng dưới lớp mai của một số loài vật”.
Vậy xin mạn phép thay hai tiếng “mai bụng” bằng từ yếm và khẳng định rằng giáp cốt văn là “chữ khắc trên yếm rùa (hoặc) xương thú”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.