Về Chính Mỹ một ngày cuối tháng 10, chúng tôi được ông Trần Văn Bảng (77 tuổi, ngụ đội 11, xã Chính Mỹ) một người làm nghề có tiếng ở đây cho biết, nghề đan lát ở địa phương này có tuổi lên đến gần 200 năm vì bố mẹ, ông bà của ông Bảng đã làm nghề này. Ông Bảng tóc đã bạc phơ, rụng hết răng nhưng tay uốn cạp thúng vẫn nhanh thoăn thoắt. Theo ông Bảng, thời điểm phát triển rực rỡ nhất, ở Chính Mỹ nhà nhà làm nghề đan lát. Đến năm 2005, địa phương này còn phát triển thêm nghề mây tre đan được đầu tư máy móc hiện đại. Năm 2007, Chính Mỹ được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là làng nghề truyền thống.
Điểm thú vị ở làng nghề này là mỗi thôn làm 1 loại sản phẩm. Trong khi các thôn từ 7, 8, 9, 10, 11 đan thúng thì thôn 3, 4, 5 lại chuyên đan dần, sàng, nong, nia. Mỗi sản phẩm lại được các gia đình chia thành nhiều công đoạn để làm chuyên sâu, ví như ông Bảng chuyên uốn cạp, vợ ông chỉ vót nan. Cả thôn vì thế như một dây chuyền, chạy rất trơn tru.
Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, làng nghề gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển của các sản phẩm gia dụng bằng nhựa, kim loại đã thu hẹp đầu ra của sản phẩm mây tre đan. “Trước 10 thì bây giờ chỉ còn 3. Những người còn sức khỏe đi làm công nhân hết, thu nhập được cao hơn. Làm nghề chỉ còn người già thôi. Tính ra ngày chỉ kiếm được chục nghìn bạc, đủ ăn bán bún”, bà Đỗ Thị Thể (72 tuổi, ở đội 11, xã Chính Mỹ) tiếc nuối. Bà Thể cũng cho biết, mỗi sản phẩm của làng có giá khoảng 50.000 đồng nhưng phải làm mất 2,3 ngày mới xong.
tin liên quan
Gốm Bàu Trúc: Làng nghề ngàn năm với những sản phẩm có một không haiSáng 20.10.2017, tại làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, H.Ninh Phước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giờ đây ở Chính Mỹ, những người còn làm nghề thường tụ tập tại nhà một ai đó để cùng làm, nó giống như câu lạc bộ những người yêu nghề, có việc thì làm, không có lại về. Làm được cái gì để luôn ở đấy, thỉnh thoảng có lái buôn đến thu mua một loạt. Nhà cụ Bảng là một điểm như thế. “Làm một mình buồn lắm, đến đây có bạn có bè làm mới có hứng. Cùng nhau cố giữ nghề của các cụ nhưng sắp không cố được rồi” ông Lê Văn Sự (62 tuổi, ngụ xã Chính Mỹ) tâm sự.
Theo ông Trần Văn Dương, Phó chủ tịch UBND xã Chính Mỹ, hiện nay chỉ có khoảng 30% số hộ (xã có khoảng 2.600 hộ) còn có người làm nghề đan lát. Hầu hết người làm nghề đều hơn 50 tuổi. Sản phẩm của người dân chủ yếu được lái buôn thu gom để bán cho các mỏ than, bến bãi ở Quảng Ninh. “Là một nghề truyền thống nhưng nghề này có nguy cơ mai một vì ngày càng nhiều khó khăn. Nguyên liệu thì ngày càng khan hiếm, sức cạnh tranh yếu so với các sản phẩm nhựa, nhôm, khiến thu nhập từ nghề không cao. Thật khó để giới trẻ theo nghề, chỉ còn các cụ vẫn lưu luyến làng nghề cổ này thôi”, ông Dương chia sẻ.
Bình luận (0)