Mái thượng lưu đập chính hồ Kẻ Gỗ sạt lở nghiêm trọng

Phạm Đức
Phạm Đức
07/12/2018 11:27 GMT+7

Do sự tàn phá của các cơn bão và mưa lũ qua nhiều năm, mái thượng lưu đập chính hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn hồ.

[VIDEO] Cận cảnh sạt lở ở mái thượng lưu đập chính hồ Kẻ Gỗ
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, hồ chứa nước Kẻ Gỗ thuộc công trình cấp 2, là hồ chứa quan trọng cấp quốc gia. Công trình này được xây dựng từ năm 1976 trên lưu vực của sông Rào Cái và đến năm 1983 thì hoàn thành đưa vào khai thác. Hồ có dung tích gần 400 triệu m3, diện tích lưu vực là 223 km2, cao trình gần 40 m.
Trong quá trình vận hành, do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa bão qua các năm, phần mái thượng lưu đập chính bị sóng bào mòn và đánh sập nhiều đoạn. Trước thực trạng này, vào năm 2005, hồ Kẻ Gỗ được Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) hỗ trợ tiền nâng cấp, sửa chữa gia cố mái thượng lưu đập chính bằng bê tông, cốt thép từ cao trình 25 m lên đến cao trình đỉnh đập với chiều dài 700 m. Riêng đoạn từ cao trình 24 m xuống cao trình 17 m do mực nước trong lòng hồ dâng cao nên không thể sửa chữa.
Trải qua thời gian, đoạn mái thượng lưu đập chính chưa được nâng cấp liên tục bị sóng bào mòn, phá vỡ các tấm bê tông khi xảy ra các trận mưa bão. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ở khu vực này trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa đến an toàn hồ.
Mái thượng lưu đập chính từ cao trình 24 m xuống cao trình 17 m dài 700 m bị sóng đánh vỡ Ảnh Phạm Đức
Theo ghi nhận của phóng viên, từ cao trình 24 m trở xuống cao trình 17 m các tấm lát bằng bê tông bị hư hỏng nặng, gãy vỡ không còn khả năng giữ đất thượng lưu mái đập chính. Đặc biệt, tại vị trí cách vai đập chính 400 m ở cao trình 23 m xuất hiện dòng thấm tiềm ẩn làm mất ổn định và an toàn đập.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Đặng Hòa Bình, Trưởng phòng quản lý khai thác Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh - đơn vị quản lý hồ Kẻ Gỗ, thừa nhận tình trạng sạt lở mái thượng lưu đập chính trở nên nghiêm trọng hơn suốt 2 năm gần đây. Tuy nhiên, do kinh phí sửa chữa theo tính toán khoảng 70 tỉ đồng, nằm ngoài khả năng của công ty nên không thể khắc phục được. Sự việc này đã được công ty báo cáo Ban Phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh hàng năm để xin hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí.
“Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và bố phí nguồn kinh phí để sửa chữa phần sạt lở tránh phát sinh thêm. Về lâu dài, công ty cũng đã đề nghị tỉnh và T.Ư cho lập dự án sửa chữa, nâng cấp mái thượng lưu đập chính đang bị hư hỏng để đảm bảo an toàn tích nước, phục vụ cho nhân dân sản xuất”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.