Malaysia không chấp nhận đường lưỡi bò

16/06/2015 08:30 GMT+7

Malaysia và các quốc gia ASEAN không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì chúng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Malaysia và các quốc gia ASEAN không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì chúng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Malaysia không chấp nhận đường lưỡi bòBinh sĩ Mỹ và Philippines tập trận tấn công gần Biển Đông hồi tháng 5.2015 - Ảnh: AFP
Đó là tuyên bố do Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia, Hamzah Zainuddin tại cuộc họp của Hạ viện nước này ngày 15.6, theo Hãng thông tấn Bernama.
Ông khẳng định tuyên bố chủ quyền dựa trên yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phù hợp Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Theo ông Hamzah, chính phủ Malaysia đặc biệt chú trọng vấn đề lãnh thổ vì có thể gây tác động tiêu cực nếu không được xử trí một cách hợp lý. “Lập trường của Malaysia là vấn đề biên giới phải được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế”, vị thứ trưởng này nhấn mạnh.
Quan điểm của Malaysia được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng An ninh quốc gia Shahidan Kassim cho tờ The Wall Street Journal hay nước này “sẽ phản đối sự xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển Malaysia ở phía bắc đảo Borneo” và “Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ nêu vấn đề trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”. Một chuyên gia Bộ Quốc phòng Singapore nhận định với Thanh Niên rằng phản ứng mới nhất của Kuala Lumpur không xuất phát từ rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh mà do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gây lo ngại sâu sắc cho mọi quốc gia.
Cũng trong ngày 15.6, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, Edwin Lacierda tuyên bố Manila sẽ tiếp tục loan báo với thế giới về tình trạng suy thoái môi trường do các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra, theo GMA News. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này sẽ ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) vào tháng tới để biện luận về vụ kiện phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, theo AFP.
Trong bài phân tích đăng trên tờ The Washington Times hôm qua 15.6, Đô đốc Mỹ về hưu James A.Lyons và chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế (Mỹ) cảnh báo Trung Quốc có khuynh hướng không dừng hoạt động bồi đắp ở Biển Đông vì muốn độc chiếm vùng biển này để phục vụ các ý đồ quân sự. Bài viết dự đoán vào đầu năm 2016 tới Trung Quốc có thể triển khai 30 chiến đấu cơ và một đội tàu chiến đến cơ sở mà nước này xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN, rồi lấn tới huy động lực lượng tương tự đến Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Hai ông Lyons và Fisher đề xuất Mỹ nên phối hợp với Philippines xây dựng các căn cứ trong khu vực và triển khai hành động phá hủy những tiền đồn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nếu nước này động thủ. “Trung Quốc cho thấy họ xem quân sự là phương tiện để đạt được các mục tiêu ở Biển Đông. Chỉ khi nào nhận thấy không thể chiến thắng thì Trung Quốc mới cân nhắc lựa chọn thay thế”, 2 chuyên gia này khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.