Động thái này của Malaysia được dư luận chú ý bởi cách đó không lâu Malaysia đã hành xử ngược lại trong cùng vụ việc. Khi ấy, Malaysia đã trả một số người Đài Loan thuộc dạng trên về Đài Loan, bất chấp yêu cầu chính thức và sự phản đối của Trung Quốc.
Ở đây, không phải phía Malaysia đã hành xử khác trước vì có nhận thức khác trước về khía cạnh pháp lý trong vụ việc này mà vì có suy tính lợi ích khác trước. Giữa Trung Quốc và Đài Loan vốn đã có thỏa thuận là người của bên nào vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xử tội ở nước ngoài thì được trả về bên ấy, có nghĩa là người Trung Quốc thì trả về Trung Quốc, người Đài Loan thì trả về Đài Loan.
Không phải phía Malaysia không biết điều ấy. Trung Quốc coi Đài Loan thuộc về lãnh thổ Trung Quốc nên nếu có nước ngoài nào đẩy trả người Đài Loan về Trung Quốc thì nước đó chủ ý phô trương sự hậu thuẫn dành cho Trung Quốc trong quan hệ với Đài Loan. Đài Loan cần thỏa thuận nói trên với Trung Quốc và việc thực hiện nó trên thực tế để chứng tỏ độc lập với Trung Quốc, rằng Trung Quốc và Đài Loan là hai thực thể về pháp lý quốc tế chứ không phải bên này là một phần của bên kia.
Cách hành xử khác nhau của Malaysia trong cùng vụ việc cho thấy nước này muốn cân bằng quan hệ với cả hai. Malaysia vừa tranh thủ Trung Quốc vừa dùng Đài Loan để làm một con chủ bài trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi thể hiện ưu thế của mình trong quan hệ với Đài Loan, Malaysia cũng đồng thời bộc lộ yếu thế trong quan hệ với Trung Quốc.
Bình luận (0)